Hòa chung không khí náo nức cùng hàng triệu học sinh trên cả nước, sáng nay (5-9), gần 266.000 học sinh của hơn 500 trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đồng loạt tham dự lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017.
Hòa chung không khí náo nức cùng hàng triệu học sinh (HS) trên cả nước, sáng nay (5-9), gần 266.000 HS của hơn 500 trường học trên địa bàn tỉnh đồng loạt tham dự lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
- Ông đánh giá như thế nào về bức tranh GD Khánh Hòa năm học 2015 - 2016?
- Năm học qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến trong việc đổi mới hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá, trong đó tập trung đổi mới mô hình dạy học theo hướng tích cực, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Công tác phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học, THCS và xóa mù chữ được củng cố. Công tác phân luồng HS sau THCS, tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông được đẩy mạnh. Tỷ lệ HS đỗ đại học tăng hàng năm. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng GD toàn diện ở các cấp học, đặc biệt là đối với GD dân tộc, GD vùng khó khăn như: tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1, hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học; đẩy mạnh việc bám lớp, bám dân của giáo viên… Có thể nói, năm học 2015 - 2016 tiếp tục đánh dấu một bước phát triển lớn về GD dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của ngành GD hiện nay. Nhìn chung, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy và học còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD; một số cơ sở, trường học bị xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư kịp thời, khó khăn cho công tác dạy và học. Tỷ lệ HS bỏ học ở cấp THPT còn cao, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học chưa được khắc phục, nhất là ở khu vực trung tâm, huyện, thị xã, thành phố. Chất lượng, hiệu quả GD mũi nhọn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh...
- Bước vào năm học mới, ngành GD tỉnh có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Năm học 2016 - 2017, ngành GD tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương, sự ủng hộ, chia sẻ của toàn xã hội. Ngành được đầu tư tổng kinh phí gần 425 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới các cơ sở GD; gần 21 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị bổ sung cho các trường. Có 2 trường được thành lập mới là Trường Tiểu học và THCS Căn cứ Cam Ranh (TP. Cam Ranh) và Trường THCS thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (được tách ra từ khối THCS của Trường THPT Khánh Sơn). Một số trường được đầu tư xây mới như: Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn (huyện Khánh Sơn), THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). Bên cạnh đó, sở đã xây dựng Đề án xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa), được UBND tỉnh phê duyệt và sẽ triển khai trong năm học 2016 - 2017. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) cũng đang được xây dựng tại địa điểm mới… Ngoài ra, các chính sách ưu đãi và khuyến khích cho một số đối tượng giáo viên, HS được nâng lên, tạo thêm động lực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD…
Học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) tập dượt cho lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: ĐÌNH THÔNG |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, GD Khánh Hòa cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Cơ sở vật chất còn thiếu so với quy định của Điều lệ trường tiểu học nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường như: thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú, xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia... Một số trường học trong nội thành, nội thị có số lớp và số HS ở mỗi lớp cao hơn so với quy định; thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học do nguồn mua sắm bổ sung hạn hẹp… Những khó khăn đó đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, năm học 2016 - 2017, GD Khánh Hòa sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Đây sẽ là năm học tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện, trong đó GD phổ thông chú trọng GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; GD mầm non chú trọng việc chăm sóc, GD trẻ. GD đại học và GD chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành GD tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang) |
Rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của tỉnh, tập trung vào một số khu vực, địa bàn có nhiều bất cập về mạng lưới trường học; phối hợp với UBND 2 huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh kiện toàn các trường THCS và phân hiệu THPT Lạc Long Quân để đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương.
Ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD các cấp. Theo đó, sẽ rà soát, đánh giá lại thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn quy định, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục quan tâm quyền lợi chính đáng của giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo; hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho đội ngũ giáo viên công tác ở huyện đảo Trường Sa.
Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông. Trong đó, sẽ quy hoạch, sắp xếp lại các trường THPT, các cơ sở GD nghề nghiệp cấp huyện để thí điểm hình thành trường trung cấp vừa tổ chức hoạt động văn hóa và học kỹ năng nghề trên địa bàn cấp huyện; đánh giá mô hình kết hợp giữa trung tâm GD thường xuyên và cơ sở GD nghề nghiệp để cấp 2 bằng cho người học. Đồng thời, thí điểm triển khai mô hình GD nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tăng cường các nguồn lực để tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành…
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với GD phổ thông. Triển khai đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của HS…
Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Cụ thể, thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020. Triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GD mầm non và GD phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục thực hiện Quy hoạch Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020; đầu tư có trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; đầu tư sâu cho các trường, lớp GD mũi nhọn ở từng địa phương. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho trường THPT chuyên.
Bên cạnh đó, ngành cũng đề ra các nhiệm vụ như: đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng trong các hoạt động quản lý cũng như các lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng như: tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên; quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý; tuyển sinh các lớp đầu cấp cũng như quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng thu - chi không rõ ràng; từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực…
Để có thể thực hiện tốt phương hướng và nhiệm vụ đặt ra, ngành GD sẽ tập trung vào các giải pháp: đẩy mạnh cải cách hành chính về GD-ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý GD các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí và kiểm định chất lượng GD; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT để xã hội hiểu và chia sẻ với các chủ trương đổi mới của ngành…
- Xin cảm ơn ông!
K.D (Thực hiện)