Chiều 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Theo đó, mùa tuyển sinh năm 2017 sẽ có bốn phương thức xét tuyển vào các trường đại học,cao đẳng.
Chiều 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Theo đó, mùa tuyển sinh năm 2017 sẽ có bốn phương thức xét tuyển vào các trường đại học,cao đẳng.
Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 sẽ giao cho các sở GD&ĐT. Thí sinh thi các bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) thay cho từng môn thi, các bài thi đều dưới dạng trắc nghiệm, trừ ngữ văn…
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến từ năm 2017 các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức sau: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; Dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực; Xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực riêng của trường (hoặc nhóm trường) khác.
“Cuối tháng 9 đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố sớm đề thi minh họa cho thí sinh”- ông Ga cho biết.
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ yêu cầu các trường tự tổ chức thi phải công khai cấu trúc bài thi đánh giá năng lực, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả thi trong thời gian sớm nhất.
Các phương thức tuyển sinh
1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia
Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi.
Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.
Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường để khẳng định nhập học tại trường. Trường cập nhật danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung.
Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.
2. Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh
Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không gây ra tình trạng luyện thi tràn lan, không gây vất vả, tốn kém cho thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT
Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.
4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh
Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.
Theo Tiền phong