11:08, 31/08/2016

Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Đó là chủ đề của "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 9-10. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.

Đó là chủ đề của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 9-10. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.


- Xin ông cho biết vì sao năm nay Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời lại lấy chủ đề là “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”?


- Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Đồng thời, góp phần định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống. “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực. Do đó, Bộ GD-ĐT chọn chủ đề này làm chủ đề Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016.


Việc triển khai Tuần lễ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, GD và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng...


- Tuần lễ sẽ diễn ra những hoạt động gì, thưa ông?


- Tùy vào điều kiện cụ thể, các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh sẽ chủ động lựa chọn các hoạt động phù hợp nhằm hưởng ứng tuần lễ, như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ sở GD xây dựng, thu thập và tổ chức các nguồn tài nguyên điện tử hữu ích (sách, báo điện tử, trang web), tài liệu trực tuyến và tài liệu số để phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của nhà trường. Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu về sách và tài liệu điện tử trên trang điện tử của nhà trường; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cộng đồng, câu lạc bộ đọc sách trực tuyến bằng cách tạo các trang Facebook, Blog của thư viện nhà trường; phát động các cuộc thi trưởng thành cùng sách, thi tìm hiểu thông tin trực tuyến. Ngoài việc khuyến khích giáo viên mầm non đọc sách, kể chuyện cho trẻ, cần hướng dẫn các trường tích cực sử dụng phương tiện dạy học kỹ thuật số (băng, đĩa,...) để giúp trẻ được “nghe sách” thường xuyên hơn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng; tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng (đọc sách giấy, sách điện tử...)… Tăng cường các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên Internet; xây dựng thư viện ở các nhà trường, cộng đồng; tủ sách gia đình; đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường bằng các giải pháp như: luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giới thiệu sách; xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện. Tổ chức ngày hội đọc hàng năm với những hoạt động như: thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, dựng phim, hoạt động sân khấu dựa theo sách…


- Được biết, Tuần lễ học tập suốt đời là một nội dung được triển khai hàng năm. Xin ông cho biết, việc triển khai tuần lễ trong những năm qua đã đạt được hiệu quả gì và có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm với các địa phương, đơn vị?


- Việc tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; giúp người dân cập nhật những kiến thức về các lĩnh vực trong đời sống xã hội và các chương trình GD về kỹ năng sống… Đồng thời, giúp các cơ sở GD và các thiết chế GD ngoài nhà trường nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập, tạo môi trường GD phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời của cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế như: sau Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, việc duy trì hiệu quả hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Một số trung tâm còn thiếu kinh nghiệm; lúng túng trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức điều hành hoạt động; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, báo cáo viên, tài liệu học tập còn thiếu... Phong trào xây dựng xã hội học tập chưa phát triển đồng đều, chưa phát huy được các nguồn lực để duy trì và tổ chức tốt các hoạt động một cách đồng bộ, thường xuyên. Đây là những vấn đề cần rút kinh nghiệm để việc tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời nói riêng và công tác xây dựng xã hội học tập nói chung đạt hiệu quả hơn nữa.


- Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)