Bộ GD&ĐT vừa công bố bản dự thảo Thông tư 30 sửa đổi (đánh giá học sinh tiểu học không qua chấm điểm) để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức.
Bộ GD&ĐT vừa công bố bản dự thảo Thông tư 30 sửa đổi (đánh giá học sinh tiểu học không qua chấm điểm) để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức.
|
Cô và trò Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Bản dự thảo Thông tư 30 sửa đổi vẫn duy trì hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp nhận xét, đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trong đó đánh giá của giáo viên quan trọng nhất.
Điểm sửa đổi mới nhất của Thông tư 30 là thay vì đánh giá học sinh cuối năm Đạt hay Không đạt gây băn khoăn, khó hiểu cho phụ huynh như trước đây thì nay được lượng hóa cụ thể theo các mức A, B, C.
“Khi phân loại học sinh thành A, B, C thì Bộ nên làm rõ các khái niệm như: hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập? Dùng những tiêu chí gì để đo? ”.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ
Hướng dẫn ghi rõ, giữa và cuối kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên về chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh. Theo đó, học sinh đạt mức A phải đảm bảo các tiêu chí như: Nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục. Đối với năng lực, phẩm chất học sinh để được xếp loại A cần được giáo viên đánh giá có nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin.
Học sinh được đánh giá mức B phải nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức, kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Năng lực, phẩm chất học sinh được xếp mức B phải nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin.
Học sinh xếp mức C được thông tư quy định là những em chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học và chưa nhận thức đầy đủ, chưa hứng thú, thiếu tự tin.
Ngoài đánh giá, nhận xét thường xuyên bằng lời, bằng nhận xét trực tiếp, lượng hóa bằng A, B, C thì bản sửa đổi vẫn giữ nguyên cách đánh giá kèm điểm số bằng các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm như cũ. Trong đó, học sinh lớp 4, lớp 5 mỗi năm sẽ có thêm hai bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán, Tiếng Việt lấy điểm. Điều này nhằm tăng cường chấm điểm học sinh để khi lên lớp 6 học sinh không bị “sốc” với cách đánh giá chấm điểm tất cả các môn học.
Bỏ sổ theo dõi chất lượng, sửa khen thưởng học sinh
Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học ông Phạm Ngọc Định cho rằng: “Qua hai năm thực hiện Thông tư 30, điều giáo viên kêu nhiều nhất là quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Vì thế, nay dự thảo sửa đổi cho giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ ghi chép cá nhân cho phù hợp”.
Theo đó, hồ sơ đánh giá cá nhân học sinh nay chỉ gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp này thay thế hoàn toàn sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ. Cứ giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá của từng học sinh vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá. Bảng này sẽ được lưu giữ tại trường suốt thời gian học sinh theo học. Giáo viên có thêm cuốn sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh trong đó lưu ý khả năng vượt trội hoặc nội dung chưa hoàn thành để cuối kỳ có đánh giá khách quan, công bằng.
Về khen thưởng, thay vì thông tư cũ học sinh có năng lực mặt nào khen mặt đó (dẫn đến chuyện có trường không hiểu nên ghi trong giấy khen là Khen từng mặt), nay thông tư sửa đổi thành Học sinh hoàn thành xuất sắc và Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện.
Trong đó, học sinh hoàn thành xuất sắc phải có kết quả học tâp được xếp loại A, bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn đạt 9 điểm trở lên. Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện thì có ít nhất 50% các môn đạt loại A, các môn khác đạt B. Năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc B và bài kiểm tra cuối năm các môn đạt 7 điểm trở lên.
A, B, C mới là định tính, chưa có định lượng
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam từng có khảo sát giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về quá trình thực hiện Thông tư 30 cho rằng, những sửa đổi trong thông tư lần này cơ bản dựa vào những góp ý của dư luận, cán bộ, giáo viên trước đó. Ông đánh giá cao sự tiếp thu có sửa đổi của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, ông Rỹ cũng cho rằng, khi phân loại học sinh thành A, B, C thì Bộ nên làm rõ các khái niệm như: hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập? Dùng những tiêu chí gì để đo? “Không có hướng dẫn cụ thể sẽ có không ít giáo viên lúng túng trong đánh giá, xếp loại học sinh”, ông nói. Ông Rỹ ví dụ, ở Úc, họ cũng dùng cách xếp loại A, B, C, D, E để đánh giá học sinh. Tuy nhiên, họ có cách làm tiến bộ, nhân văn không gây áp lực cho học sinh. Giáo viên không công khai điểm số của học sinh trên lớp. Hàng quý, hàng năm giáo viên sẽ gửi kết quả học tập của con cho cha mẹ học sinh thậm chí gửi thư mời phụ huynh lên nói chuyện nếu có sự bất thường.
Theo Tiền phong