Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thí điểm chương trình "Sữa học đường" tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ mầm non (MN), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thí điểm chương trình “Sữa học đường” tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Sự cần thiết
Theo số liệu của Sở GD-ĐT, 2 huyện này có tổng cộng 26 trường MN. Số trẻ ở độ tuổi nhà trẻ được huy động ra lớp là 723/4.098 trẻ, đạt 17,6%, trong đó có 350 trẻ dân tộc thiểu số (DTTS). Trẻ mẫu giáo ra lớp là 3.911/4.291 trẻ, đạt 91,1%, trong đó có 3.213 trẻ DTTS. Tất cả trẻ đến trường đều được tổ chức ăn bán trú, khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng. Dù vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở 2 địa phương này hiện vẫn rất cao, chiếm từ 30 đến 35% tổng số trẻ. Thậm chí, ở một số trường như: MN Sơn Ca (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), MN Anh Đào (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh), Mẫu giáo Sơn Ca (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh)… tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiếm đến 50 - 60% tổng số trẻ.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để cải thiện tình trạng trên, ngoài việc tổ chức tốt bữa ăn, giấc ngủ thì việc cho trẻ em 2 huyện miền núi uống thêm sữa tại trường là rất cần thiết, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Xuất phát từ mục tiêu đó, chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2016 - 2020 thí điểm tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đang được Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng. Đây là một nội dung của Đề án “Cải thiện tầm vóc và tình trạng dinh dưỡng của người Khánh Hòa” đã được tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì.
Cô và cháu Trường Mầm non 1-6, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn |
Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, đời sống vật chất của trẻ em vùng sâu, vùng xa nói chung và trẻ MN của huyện nói riêng còn nhiều khó khăn; việc được uống sữa thường xuyên sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt, cải thiện thể lực. Vì thế, việc triển khai chương trình “Sữa học đường” là rất cần thiết và có ý nghĩa”.
Phụ huynh đóng góp 30% tiền mua sữa
“Sữa học đường” là chương trình nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chiến lược về dinh dưỡng và phát triển tầm vóc người Việt của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Ngày 8-7, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1340 phê duyệt chương trình “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Chương trình đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình “Sữa học đường”; chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010 ở cả trẻ trai và gái… |
Theo dự thảo chương trình “Sữa học đường”, trẻ MN (từ 1 đến 6 tuổi) của 2 huyện nói trên sẽ được uống sữa trong 9 tháng của năm học (40 tuần, trừ 3 tháng hè). Cụ thể, trẻ mẫu giáo được uống 3 lần/tuần; trẻ nhà trẻ được uống 5 lần/tuần. Về kinh phí mua sữa, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50%, công ty sữa tham gia chương trình hỗ trợ 20%, còn lại 30% là do phụ huynh đóng góp. Riêng trẻ em con gia đình đồng bào DTTS, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được miễn đóng góp. Ngoài việc cho trẻ uống sữa, chương trình cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong độ tuổi MN…
Sở GD-ĐT cho biết, sở sẽ tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp sữa đảm bảo dinh dưỡng và chất lượng cho các cơ sở GDMN của 2 huyện. Nhà cung cấp sữa phải đảm bảo các tiêu chí: sản xuất sữa tiệt trùng có đường dung tích 180ml/hộp và 110ml/hộp, thời gian bảo quản 6 tháng; công ty cung cấp sữa đạt chuẩn thương hiệu Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo hàm lượng đầy đủ các chất, vi chất dinh dưỡng phù hợp với trẻ độ tuổi MN; phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về sữa tiệt trùng học đường; là đơn vị trực tiếp sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn ISO 9002…
Sở GD-ĐT đang khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành, địa phương xây dựng chương trình “Sữa học đường” để trình tỉnh xem xét. Trên cơ sở thí điểm ở 2 huyện miền núi, chương trình sẽ được triển khai đại trà trong toàn tỉnh những năm tiếp theo.
H.NGÂN