Các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ bản hoạt động lưu động, chứ không cắm chốt như trước kia, kéo dài cho tới khi chấm thi xong.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ bản hoạt động lưu động, chứ không cắm chốt như trước kia, kéo dài cho tới khi chấm thi xong.
Chia sẻ với báo chí ngày 30/6, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết, công tác thanh tra kỳ thi THPT năm nay sẽ thay đổi, không tạo sự căng thẳng mà hướng tới việc giúp các hội đồng, những người tham gia thi làm việc nghiêm túc, hết trách nhiệm và thí sinh tự giác thực hiện quy chế. Có hai cơ chế giám sát hoạt động song song gồm giám sát bên trong và bên ngoài.
Cán bộ giám sát tại các điểm thi (bên trong) do điểm trưởng chỉ đạo, còn giám sát bên ngoài là thanh tra, kiểm tra - độc lập với các Hội đồng, do Bộ trưởng Giáo dục, Giám đốc Sở quyết định thành lập. Các đại học chủ trì cụm thi thì thành lập đoàn kiểm tra do hiệu trưởng thành lập.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ bản hoạt động lưu động, chứ không cắm chốt như trước kia, kéo dài cho tới khi chấm thi xong. |
Đến nay 70 trường chủ trì cụm thi và 50 sở đều thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn. Bộ Giáo dục cũng thành lập 14 đoàn thanh tra phụ trách khu vực thi trong cả nước. "Các đoàn thanh tra cơ bản hoạt động lưu động, chứ không cắm chốt như trước kia và sẽ duy trì từ trước khi thi cho tới khi chấm thi xong", ông Bằng cho hay.
Theo ông Bằng, các đoàn thanh tra giữ đúng nguyên tắc nhưng với thái độ mềm mỏng khi làm nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo, trung ương và địa phương với tinh thần phòng ngừa là chính, phòng ngừa từ xa, nghiêm túc với cả 2 cụm thi do đại học hoặc Sở giáo dục chủ trì.
"Chúng tôi không đặt vấn đề giám sát tất cả các cụm thi. Ở các cụm thi đã có 120 đoàn thanh tra, các sở, trường tự làm tại chỗ rồi. 14 đoàn thanh tra Bộ sẽ hỗ trợ họ và thực hiện công việc giám sát. Việc tăng hay giảm số lượng đoàn thanh tra không đồng nghĩa với chặt hay lỏng, lúc nào thanh tra cũng phải nghiêm túc. Nhiều hay ít chỉ là bố trí về chiến thuật", ông Bằng nói.
Theo Chánh thanh tra, các đoàn thanh tra Bộ cũng được phân theo vùng. Vùng đó biết là sẽ có đoàn đến nhưng tới điểm thi nào thì thanh tra sẽ bí mật. "Sẽ không có chuyện thanh tra đến, giáo viên đứng 2 hàng vỗ tay chào đón", ông Bằng khẳng định.
Phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) để phát hiện gian lận tinh vi
Để phát hiện kịp thời những gian lận tinh vi có thể có trong kỳ thi THPT quốc gia, thanh tra Bộ Giáo dục đã làm việc với Cục An ninh Chính trị nội bộ A83. Chánh thanh tra Nguyễn Huy Bằng cho biết qua trao đổi, A83 sẽ có kênh chỉ đạo với PA83 (phòng An ninh chính trị nội bộ) các địa phương để ngăn ngừa từ xa và kịp thời phát hiện các hành vi gian lận.
Ngành giáo dục cũng đã tập huấn giám thị, phổ biến kỹ cho thí sinh quy chế thi và kiểm soát những vật dụng thí sinh mang vào phòng thi. Khi gọi thí sinh vào phòng thi, một giám thị đọc tên, còn một người cầm ảnh đối chiếu.
"Giám thị giám sát ngay từ đầu thì giảm đi gian lận rất nhiều. Trong quá trình thi, một người ngồi trên bục, một người ở cuối phòng giám sát nên thí sinh có bất kỳ hoạt động nào cũng không thoát khỏi mắt giám thị. Vì vậy, nếu giám thị làm hết trách nhiệm sẽ không có chuyện gian lận xảy ra", ông Bằng nói.
Theo VnExpress