Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 29-6-2012 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025, đến nay, huyện Diên Khánh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 29-6-2012 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025, đến nay, huyện Diên Khánh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn không ít khó khăn cần được tháo gỡ.
Những kết quả tích cực
Những năm qua, ngành GD huyện đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt một số chỉ tiêu kế hoạch được tỉnh giao. Quy mô GD từng bước phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội. Trong đó, đáng chú ý là GD mầm non có bước phát triển mạnh; GD không chính quy mở rộng với nhiều hình thức khác nhau. Huyện cũng đã tiếp cận được các mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến 2025 như: duy trì kết quả xóa mù chữ - phổ cập GD tiểu học, đạt và vượt tiến độ phổ cập THCS so với kế hoạch, phổ cập GD THPT được duy trì, hoàn thành phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi trong năm 2012…
Cô và cháu Trường Mầm non Diên Phú |
Bên cạnh đó, hệ thống GD trên địa bàn huyện đang từng bước hoàn chỉnh với mạng lưới trường lớp tỏa rộng khắp các địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, huyện đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho những trường thuộc các xã xây dựng nông thôn mới như: Diên Lâm, Diên Sơn, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Phú, Diên An… Cụ thể, huyện xây mới 47 phòng học văn hóa, 21 phòng học bộ môn, 9 nhà đa năng, 6 thư viện, 52 công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng; sửa chữa, cải tạo 80 phòng học, 16 công trình phụ trợ với kinh phí gần 9,5 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị dạy học hơn 3,3 tỷ đồng. Huyện cũng triển khai tốt chủ trương xã hội hóa GD, trang bị cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn. 4 năm qua, nhờ nguồn vốn xã hội hóa, toàn huyện đã xây dựng 8 phòng học cho Trường Mầm non Diên Lâm, nhà bếp cho Trường Mầm non Diên Tân, bếp ăn cho Trường Tiểu học Diên Toàn… Qua đó, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng GD.
Còn khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT trên địa bàn huyện vẫn còn không ít khó khăn. Theo ông Đinh Gia Bảo, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, hiện nay, việc phân luồng sau THCS còn nhiều hạn chế, góp phần làm cho cơ cấu hệ thống GD chưa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, hoạt động GD còn có những bất cập như: vẫn còn tình trạng học sinh THCS bỏ học; hạn chế trong việc quản lý các cơ sở GD mầm non tư thục ở một số xã... Nguyên nhân của những khó khăn đó là do các điều kiện đảm bảo phát triển GD như: phòng chức năng, trang thiết bị dạy và học còn hạn chế; thiếu kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nên toàn huyện chưa có trường đạt chuẩn mức độ 2; ngân sách GD chủ yếu chi cho con người, còn phần chi cho các hoạt động GD rất hạn chế.
Toàn huyện có 12/21 trường mầm non, 11/24 trường tiểu học, 8/11 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của huyện, một số trường nằm trong quy hoạch giai đoạn 2012 - 2015 chưa thực hiện được sẽ được chuyển sang giai đoạn sau. Đó là các trường: Mầm non thị trấn Diên Khánh, THCS Diên Phú, THCS Diên Đồng, THPT Nam Diên Khánh, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Trung tâm GD thường xuyên huyện. |
Theo quy hoạch được duyệt, giai đoạn 2012 - 2015, huyện Diên Khánh thành lập và xây dựng mới 18 cơ sở GD công lập, trong đó có 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 7 trường THCS, 1 trường THPT, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, 1 trung tâm GD thường xuyên. Tuy nhiên, đến hết năm 2015, toàn huyện mới chỉ xây dựng được 1 trường là THCS Diên Tân, quá khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do những vướng mắc liên quan đến việc quy hoạch tây Nha Trang, khu đô thị mới, khu hành chính mới của huyện chưa được giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, kinh phí bố trí xây dựng mới, xây dựng thêm và sửa chữa, cải tạo không đáp ứng được các hạng mục công trình được duyệt.
Để giải quyết những khó khăn này, cần có lộ trình và những giải pháp đồng bộ, trong đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương.
T. V