Đâu đó trong cuộc sống, có không ít những trẻ em kém may mắn khi sinh ra bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Nếu được quan tâm, tạo điều kiện học tập trong một môi trường giáo dục phù hợp, các em vẫn có cơ hội hòa nhập, trưởng thành và đóng góp cho xã hội.
Đâu đó trong cuộc sống, có không ít những trẻ em kém may mắn khi sinh ra bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Nếu được quan tâm, tạo điều kiện học tập trong một môi trường giáo dục (GD) phù hợp, các em vẫn có cơ hội hòa nhập, trưởng thành và đóng góp cho xã hội.
Niềm vui đến lớp
Em L.P.D., học sinh (HS) lớp 3/3 Trường Tiểu học Tân Lập 2 (Nha Trang) khi sinh ra không may mắn bị mắc hội chứng down. Thế nhưng, những năm qua, D. vẫn đều đặn đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa. Ghé thăm giờ học Toán ở lớp của D., chúng tôi có dịp hiểu hơn về việc học của một HS khuyết tật. Bởi học theo mô hình trường học mới, nên lớp được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận, thực hiện nhiệm vụ do cô giáo đưa ra. Sau khi hướng dẫn cả lớp, cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc, giáo viên (GV) chủ nhiệm quay sang hướng dẫn D. làm bài tập. Tới bài thứ hai, cô giao cho các bạn trong nhóm hướng dẫn cho D. Bài thứ ba, cô để em tự làm. Theo lời cô Ngọc, nội dung bài học đã được điều chỉnh để phù hợp với D. Việc hướng dẫn cũng phải thật nhẹ nhàng, từ tốn và kiên nhẫn, bởi sức khỏe của D. có hạn, em lại mau chán, mau quên. Song nếu hiểu được tâm tính, ân cần trò chuyện thì em rất vui vẻ và biết cách trao đổi, thảo luận với bạn bè. Nhờ đó, em đã có những tiến bộ đáng ghi nhận.
Một lớp học có học sinh khuyết tật tại Trường Tiểu học Tân Lập 2 |
Cùng trường với D. còn có em Đ.Q.T, HS lớp 1/1 bị khuyết tật về nghe nói từ khi lọt lòng. Những ngày đầu đến trường, em không khỏi bỡ ngỡ, sợ sệt vì bị bạn bè để ý, trêu chọc. Nhờ được cô giáo chủ nhiệm và các bạn giúp đỡ, T. đã dần xóa bỏ mặc cảm về bản thân và mạnh dạn lên rất nhiều. Em đi học đều đặn, được cô giáo khen là thông minh, chăm chỉ, kết quả học tập vì thế cũng ngày càng tiến bộ hơn. Đặc biệt, em rất thích được đến trường và từng bước rèn luyện được các kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng như bao bạn khác.
Tạo môi trường hòa nhập phù hợp
Được biết, GD hòa nhập cho trẻ khuyết tật là chương trình có tính nhân văn đã được Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm từ nhiều năm qua. Ông Hà Văn Thông - Trưởng Phòng GD Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, khác với HS khuyết tật tại các cơ sở chuyên biệt học theo chương trình GD chuyên biệt, HS khuyết tật học tập theo phương thức GD hòa nhập được học theo chương trình GD chung như những HS bình thường. Điều đó mang lại cho HS khuyết tật cơ hội tiếp xúc bình đẳng với nền GD mà các trẻ em bình thường nhận được, phá vỡ những mặc cảm giúp các em hòa nhập cộng đồng. Tất nhiên, người GV không được đem cái khung chuẩn của HS bình thường để áp đặt cho trẻ khuyết tật mà phải điều chỉnh chương trình học vừa sức với các em. Việc đánh giá HS khuyết tật cũng theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của HS là chính. Trong đó, chú trọng đến sự tiến bộ trong việc rèn luyện kỹ năng cá nhân (tự phục vụ, tự quản, tự học…), kỹ năng xã hội (giao tiếp, hợp tác…), kỹ năng nhận thức, tư duy khả năng hòa nhập đối với từng đối tượng cụ thể.
Là người có nhiều năm đồng hành cùng GD HS khuyết tật, cô Nguyễn Thị Thu Hà (Phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT) chia sẻ, giảng dạy cho một HS bình thường tiến bộ đã khó, dạy cho HS khuyết tật còn vất vả gấp nhiều lần. Bản thân các em cũng tự biết mình thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa nên rất nhạy cảm và thường có xu hướng sống khép kín. Vì thế, thành quả trong học tập của các em cũng như nỗ lực của các thầy cô khi rèn giũa các em tiến bộ là rất đáng trân trọng. Có em, sau cả tháng trời mới viết được chữ O tròn trịa mà cô giáo mừng rơi nước mắt.
Còn theo cô Châu Đình Mai Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 2, để công tác GD hòa nhập trẻ khuyết tật được thực hiện tốt thì người GV đóng vai trò rất quan trọng. GV phải có kinh nghiệm, sự nhẫn nại, sáng tạo trong công tác giảng dạy, đặc biệt là phải có tình yêu thực sự đối với trẻ khuyết tật để xóa bỏ mặc cảm tự ti của các em đối với các bạn cùng trang lứa. Nhiều thầy cô chia sẻ, dạy trẻ khuyết tật tuy có vất vả, khó khăn nhưng niềm vui được giúp đỡ các em tiến bộ trong học tập là món quà vô giá đối với những người đưa đò…
Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, những năm qua, công tác GD hòa nhập cho HS khuyết tật trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, số trẻ được huy động đi học ở cả 2 loại hình chuyên biệt và hòa nhập tăng lên (năm học 2011 - 2012 là 44,08%, năm học 2015 - 2016 là 45,15%). Sở cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn các chuyên đề về GD hòa nhập HS khuyết tật cho các cán bộ, GV nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc điều tra, cập nhật và vận động trẻ ra lớp còn bất cập nên tỷ lệ trẻ khuyết tật được huy động ra lớp vẫn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phụ huynh có tâm lý e dè, tự ti hoặc vì điều kiện kinh tế mà không muốn cho con đến trường. Bên cạnh đó, cũng có những trường, vì nhiều lý do mà không muốn tiếp nhận trẻ khuyết tật. Ngoài ra, việc thống kê chính xác số liệu HS khuyết tật học hòa nhập cũng khó thực hiện, bởi nhiều phụ huynh đã cho con đến trường không muốn thừa nhận việc con mình bị khuyết tật. Do đánh giá không đầy đủ dẫn đến việc xác định đối tượng, mức độ bệnh tật của trẻ nói riêng và sự quan tâm tới GD hòa nhập trẻ khuyết tật nói chung không thỏa đáng.
Theo ông Hà Văn Thông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển GD hòa nhập, nên trẻ khuyết tật học hòa nhập vẫn khó có điều kiện hòa nhập tốt. Bên cạnh đó, chưa có các chính sách, chế độ rõ ràng cho GV dạy hòa nhập trong các trường mầm non, các trường phổ thông… Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục có những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng GD hòa nhập đối với trẻ khuyết tật.
H. NGÂN