08:02, 05/02/2016

Bộ Giáo dục công bố quy định thi THPT quốc gia 2016

Thí sinh không phải di chuyển xa vì mỗi tỉnh đều có cụm thi đại học; các trường đại học, cao đẳng được giao quyền tự chủ tuyển sinh.

Thí sinh không phải di chuyển xa vì mỗi tỉnh đều có cụm thi đại học; các trường đại học, cao đẳng được giao quyền tự chủ tuyển sinh.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục; các đại học, học viện; Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016.

 

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh.
Mỗi tỉnh, thành có một cụm thi đại học
 
Với chủ trương thay đổi theo hướng có lợi cho thí sinh, trong 4 ngày từ 1 đến 4/7, các tỉnh thành tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do trường đại học chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục (gọi tắt là cụm thi đại học).
 
Loại cụm thi thứ hai dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với trường đại học (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp).
 
Bộ Giáo dục nhấn mạnh, tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi đại học.
 
Tổng môn thi là 8
 
Môn thi sẽ giữ ổn định như năm 2015, tức là tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận, thời gian làm bài mỗi môn 180 phút. Các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm với thời gian 90 phút.
 
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT đăng ký 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế trong số môn tự chọn.
 
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đăng ký dự thi 4 môn tối thiểu và đăng ký thêm các môn khác để xét tuyển sinh. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đăng ký dự thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì đăng ký các môn để xét tuyển sinh.
 
Thí sinh đang học tại cơ sở giáo dục nào thì đăng ký dự thi tại cơ sở đó. Thí sinh tự do đăng ký thi tại địa điểm do Sở Giáo dục quy định sao cho thuận tiện nhất.
 
Đề thi tương tự 2015
 
Đề thi THPT quốc gia năm 2016 về cơ bản như năm 2015, tức là theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề thi sẽ tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
 
Tổ chức coi thi, chấm thi cũng sẽ như năm 2015, nhưng tăng số cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số cán bộ, giáo viên thuộc Sở Giáo dục tham gia chấm tại cụm thi đại học.
 
Khắc phục những bất cập của năm trước, năm nay, Bộ cho phép các Sở Giáo dục và trường đại học chủ trì cụm thi công bố kết quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu. Trường đại học chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh để tuyển sinh đại học, cao đẳng một giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học.
 
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện như năm 2015: kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
 
Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong các đợt đăng ký xét tuyển
 
Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ do các trường đại học, cao đẳng, nhất là trường khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động xây dựng và công bố đề án tự chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ.
 
Đối với trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, về cơ bản giữ ổn định như năm 2015, nhưng có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường đại học, cao đẳng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển.
 
Cụ thể, thí sinh sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi của mình để đăng ký xét tuyển trong các đợt. Thí sinh đăng ký xét tuyển qua bưu điện và trực tuyến (online). Trong mỗi đợt, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để xác định và công bố ngưỡng đăng ký xét tuyển vào ngành/nhóm ngành của trường; tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển cho thí sinh.
 
Rút ngắn số trường và ngành đăng ký xét tuyển
 
Đợt xét tuyển đầu tiên, thời gian đăng ký và xét tuyển là 12 ngày. Mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
 
Các đợt xét tuyển kế tiếp thời gian đăng ký và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh đăng ký mỗi đợt tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
 
Theo VnExpress