11:01, 14/01/2016

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2015 - 2016 là năm thứ 4 ngành Giáo dục huyện Khánh Vĩnh triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Hiệu quả của mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Năm học 2015 - 2016 là năm thứ 4 ngành Giáo dục (GD) huyện Khánh Vĩnh triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Hiệu quả của mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng GD tại địa phương.


Hiệu quả thiết thực


Thầy Nguyễn Văn Sỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nam, một trong hai trường của huyện Khánh Vĩnh thí điểm mô hình VNEN khẳng định, mô hình đã đem lại lợi ích thiết thực cho cả người dạy và người học. Giáo viên (GV) thay đổi cách dạy, hỗ trợ đắc lực cho học sinh (HS) tiếp thu kiến thức; còn HS phát huy được tính tự giác, năng động. Đến nay, mô hình đã áp dụng đại trà từ khối lớp 2 đến lớp 5. Kết quả xếp loại HS cuối năm cho thấy, tỷ lệ hoàn thành chương trình đạt hơn 97%; chất lượng học tập, đạo đức và các mặt rèn luyện của HS đều vượt trội so với trước.

 

Một lớp học VNEN tại Trường Tiểu học Khánh Nam
Một lớp học VNEN tại Trường Tiểu học Khánh Nam


Em Hoàng Thị Hồng Nhung - HS lớp 5A, Trường Tiểu học Khánh Nam bày tỏ: “Với mô hình VNEN, mỗi bài học đều có dụng cụ, tranh ảnh minh họa giúp chúng em hiểu rõ bài hơn. Nếu gặp khó khăn, chúng em chỉ việc giơ bảng lên là thầy cô đến trợ giúp. Chúng em không còn rụt rè, nhút nhát, trong giờ học mạnh dạn giơ tay phát biểu. Em rất thích phương pháp học của mô hình này”. Còn thầy Vũ Văn Hải - GV Trường Tiểu học Khánh Nam chia sẻ: “Tôi thấy HS ngày càng tiến bộ, tự tin hơn, thầy và trò gần gũi nhau hơn. Phương pháp mới khuyến khích HS tự học, kích thích sự khám phá, tìm tòi. Chương trình học không khác gì so với trước, song để làm quen, HS cũng mất khoảng 2 tháng để tiếp cận…”.


Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh cũng vừa triển khai mô hình VNEN trong năm học này. Thầy Huỳnh Tấn Lộc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường đã triển khai mô hình cho tất cả các khối lớp từ lớp 2 đến lớp 5, tổng cộng có 14/19 lớp. Qua 3 tháng triển khai, mô hình cho thấy tính ưu việt so với cách học truyền thống. HS mạnh dạn, tự tin, có tinh thần tự quản, tự điều hành các tổ chức hoạt động của lớp; nâng cao kỹ năng sống, giao tiếp thông qua chia sẻ, tiếp thu kiến thức; chất lượng GD cũng được nâng cao. Về phía GV, đổi mới được phương pháp giảng dạy, GV đóng vai trò là người điều hành, không còn dạy theo cách thụ động thầy giảng trò nghe.


Vẫn còn khó khăn


Mô hình VNEN đã khẳng định nhiều ưu điểm so với cách dạy truyền thống, nhưng đối với huyện miền núi như Khánh Vĩnh thì vẫn còn những khó khăn đặc thù.

 

Theo lãnh đạo Phòng GD-Đào tạo huyện Khánh Vĩnh, năm học 2015 - 2016 là năm học thứ 4 huyện triển khai mô hình VNEN. Đến nay, đã triển khai đến 5 trường tiểu học (Khánh Nam, Khánh Đông, Khánh Bình, Sông Cầu và thị trấn Khánh Vĩnh). Theo lộ trình, năm học 2016 - 2017, toàn huyện sẽ có 8 trường (chiếm 50% số trường tiểu học trong toàn huyện) và đến năm học 2017 - 2018, chậm nhất 2018 - 2019 sẽ triển khai đại trà.

Được biết, kể từ năm học 2015 - 2016, HS đồng bào dân tộc thiểu số không còn được hưởng quyền lợi tại Nghị định 49/2010 của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. “Các em không có tiền mua sách, nhà trường phải đứng ra đăng ký với nhà sách để mua cho các em. Đến nay, có 168/227 trường hợp HS chưa đóng tiền, nhà trường phải nợ với nhà sách gần 41 triệu đồng…”, thầy Lộc nói. Còn thầy Sỹ thì cho rằng, khi triển khai mô hình này, vốn tiếng Việt của HS dân tộc thiểu số còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập, giao tiếp, nhất là HS lớp 2.


Chia sẻ về những khó khăn mà các trường đang gặp, ông Phạm Ngọc Cường - Phó Trưởng phòng GD-Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, giải pháp trước mắt và lâu dài là các trường vận động Hội Cha mẹ HS và các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, từng bước xây dựng tủ sách dùng chung để tạo điều kiện cho các em sử dụng lâu dài, không phụ thuộc vào tài liệu được hỗ trợ. Riêng vấn đề HS người dân tộc thiểu số chưa quen tiếng Việt, đa số rơi vào các em lúc nhỏ được bố mẹ đưa lên rẫy. Giải pháp thời gian tới là vận động các em đến trường, tăng cường giao tiếp giữa HS dân tộc thiểu số với HS người Kinh. Trong lớp, GV cho HS thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, hạn chế dùng tiếng địa phương để các em làm quen với vốn tiếng Việt để học tập tốt hơn.


Vĩnh Lạc