Qua 4 năm triển khai thí điểm ở cấp tiểu học và 2 năm thực hiện thí điểm ở cấp Trung học cơ sở, mô hình Trường học mới (VNEN) đang dần khẳng định ưu thế so với mô hình dạy học truyền thống.
Qua 4 năm triển khai thí điểm ở cấp tiểu học và 2 năm thực hiện thí điểm ở cấp THCS, mô hình Trường học mới (VNEN) đang dần khẳng định ưu thế so với mô hình dạy học truyền thống.
Thay đổi phương pháp dạy học
Năm học 2011 - 2012, Khánh Hòa là 1 trong 6 tỉnh trên toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chọn thí điểm áp dụng mô hình VNEN cho 4 trường tiểu học với 233 học sinh (HS) của 8 lớp khối 2. Đến năm học 2014 - 2015, ngoài việc triển khai dạy học VNEN cho 23 trường tiểu học của 8 huyện, thị xã, thành phố, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh tùy điều kiện thực tế để tiếp cận mô hình này. Sở cũng triển khai xây dựng ở mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 trường trọng điểm VNEN nhằm tạo điểm sáng và là địa chỉ để các trường tham quan, học tập. Bên cạnh đó, trên cơ sở nối tiếp chương trình mô hình VNEN cấp tiểu học, năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình VNEN cho HS lớp 6 của 4 trường THCS trên địa bàn TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh. Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh mở rộng mô hình VNEN thêm 20 trường tiểu học và tiếp tục duy trì ở 4 trường THCS theo tinh thần: 100% giáo viên (GV) và HS được tiếp cận mô hình VNEN, vận dụng cách trang trí lớp học và sử dụng phương pháp dạy học theo mô hình VNEN vào các lớp đại trà một cách linh hoạt và phù hợp.
Lớp học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Tân Lập 2 (Nha Trang) |
Theo cô Trần Thị Trường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh), khác với cách dạy truyền thống là cô giảng - trò nghe, dạy học theo mô hình VNEN tổ chức các hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng tự học của HS. Bước vào tiết học, GV đưa ra mục tiêu, nội dung bài học, lớp trưởng, trưởng nhóm sẽ tổ chức, điều khiển các nhóm cùng trao đổi, thảo luận. Thay vì tiếp thu kiến thức một cách khô khan, thụ động, HS được đặt vào những tình huống thực tế, được trực tiếp trải nghiệm, quan sát, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, đồng thời tương trợ nhau để tìm cách giải quyết vấn đề... Một số trường đã có những kinh nghiệm, sáng kiến hay trong việc tổ chức mô hình VNEN như: Trường Tiểu học Diên Điền (huyện Diên Khánh) thành công trong việc tổ chức hội đồng tự quản; Trường Tiểu học Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) với công tác cộng đồng, tổ chức lớp học; Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang) với các cuộc thi, triển lãm đồ dùng dạy học theo mô hình VNEN; Trường Tiểu học Cam An Nam (huyện Cam Lâm) có nhiều sáng tạo trong việc trang trí lớp học...
Chuyển biến từ giáo viên đến học sinh
Qua 4 năm triển khai thí điểm ở cấp tiểu học và 2 năm thực hiện thí điểm ở cấp THCS, mô hình VNEN đã cho thấy tín hiệu khả quan về chất lượng GD địa phương. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, so với các lớp bình thường, lớp học theo mô hình VNEN có chuyển biến tích cực từ GV đến HS. Với vai trò là người tổ chức lớp học, GV phát huy vai trò của các thành viên trong hội đồng tự quản, nhóm trưởng trong hoạt động dạy - học; linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập theo từng đối tượng HS; ghi chép nhật ký ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đồng thời theo dõi, nhận xét kết quả học tập của HS qua từng bài, từng thời điểm. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học như: phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan...; dự kiến tình huống trả lời, đáp án câu hỏi...; GV còn sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập được trang trí ở trên lớp như: bảng thi đua, hộp thư cá nhân, bản đồ cộng đồng... nhằm gây hứng thú học tập cho HS và tạo không khí thoải mái cho lớp học. Đối với HS, kết quả học tập trên 3 lĩnh vực: kiến thức, năng lực, phẩm chất đều cao hơn so với HS các lớp học bình thường.
Ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng GD tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, một trong những điểm nổi bật của HS ở các lớp theo mô hình VNEN là các em được phát huy sở trường, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, nhất là với HS vùng dân tộc thiểu số và HS học yếu. Tỷ lệ chuyên cần ở các lớp có HS dân tộc thiểu số cao hơn, không có tình trạng HS bỏ học...
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về mô hình VNEN không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh phương pháp dạy học, hình thức tổ chức lớp học truyền thống đã tồn tại rất lâu. Đã có những ý kiến trái chiều xung quanh việc dạy học theo mô hình này. Bên cạnh đó, một số GV cho rằng, việc dạy học theo mô hình VNEN khiến họ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn nhằm quan sát HS một cách bao quát và hỗ trợ kịp thời. Cơ sở vật chất ở một số trường hiện nay cũng chưa đáp ứng yêu cầu bố trí lớp học theo mô hình VNEN.
Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để mô hình được triển khai hiệu quả hơn nữa, trước hết, cần tiếp tục tuyên truyền để thay đổi nhận thức của cộng đồng, giúp mọi người hiểu được bản chất của dạy học theo mô hình VNEN không phải là thay đổi chương trình học, mà là thay đổi phương pháp dạy học từ cách tổ chức lớp học, hoạt động của người dạy, hoạt động của người học đến đổi mới cách đánh giá kết quả học tập. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý năng động, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đội ngũ GV trẻ, tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo. Đây chính là yếu tố cốt lõi để mô hình VNEN được thực hiện thành công, góp phần vào mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
H.NGÂN