Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
- Bà nhận định như thế nào về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) của ngành hiện nay, thưa bà?
- Những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành và nhân dân, cùng sự nỗ lực phấn đấu của ngành, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Toàn ngành GD tỉnh hiện có 21.163 cán bộ, GV, nhân viên. Trong đó, nữ chiếm 69%, đảng viên 24,4%. Năm học 2015 - 2016, số lượng cán bộ, GV đạt chuẩn là 100%, trong đó trên chuẩn hơn 76% (cấp mầm non đạt gần 81%; tiểu học gần 88%; THCS hơn 60%, THPT gần 9,2%). Có 224 cán bộ, GV đạt trình độ thạc sĩ; 2 cán bộ, GV đạt trình độ tiến sĩ. Hàng năm, 100% cán bộ quản lý và GV được đánh giá theo các lĩnh vực: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức chuyên ngành; kỹ năng sư phạm. Đây là căn cứ để xét thi đua cá nhân và tập thể hàng năm, đồng thời là cơ sở để xem xét đưa vào kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển..., góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo tiền đề then chốt trong đổi mới phương pháp dạy học và quản lý GD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Do lực lượng của ngành đông, việc quản lý có những thiếu sót nhất định dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV và cán bộ quản lý ở từng cấp học.
- Xin bà cho biết, để đạt được kết quả trên, ngành GD-ĐT tỉnh đã tập trung vào những giải pháp gì?
- Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch lại đội ngũ cán bộ quản lý, GV trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường lớp. Từ đó có kế hoạch đề xuất việc đào tạo, tuyển dụng GV, tuyển chọn bổ nhiệm GV đủ điều kiện vào vị trí lãnh đạo, quản lý hàng năm. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Sở GD-ĐT đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Sở, hàng năm, hàng trăm cán bộ, GV các cấp đã tham gia các lớp đào tạo chuẩn hóa và nâng chuẩn theo quy định bằng nguồn kinh phí tự túc; tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và bồi dưỡng thường xuyên. Đây có thể xem là hoạt động nổi bật và được tập trung nhất trong những năm qua, góp phần đắc lực vào việc nâng chuẩn về trình độ đào tạo của GV. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong việc nâng cao năng lực và phẩm chất nhằm đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
- Những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện các chế độ, chính sách gì nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, GV, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa, thưa bà?
- Những năm qua, ngành GD tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Các chế độ, chính sách đảm bảo tính công bằng giữa các vị trí công việc và gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, Sở GD-ĐT đã tham mưu HĐND và UBND tỉnh hỗ trợ 50% lương và phụ cấp các khoản theo lương cho GV trực tiếp dạy các lớp chuyên; hỗ trợ tiền thuê nhà ở 700.000 đồng/người/tháng cho GV đang công tác tại các trường THPT, các trung tâm GD thường xuyên tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (thời gian hỗ trợ 5 năm) nhằm giúp GV nhanh chóng ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
- Xin bà cho biết những nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT sẽ thực hiện trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, GV?
- Thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý GD cho từng năm và cho giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD-ĐT; nâng cao chất lượng, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GD. Ngành cũng phấn đấu thực hiện tốt Đề án ngoại ngữ 2020 ở bậc học phổ thông; tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận và các trường đại học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác tại trường chuyên nhằm nâng cao chất lượng GD mũi nhọn của tỉnh thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia toàn xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD.
- Xin cảm ơn bà!
K.D (Thực hiện)