11:10, 01/10/2015

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 8-10. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh hoạt động này, ông Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 8-10. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh hoạt động này, ông Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết:


Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”, tuần lễ năm nay nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, góp phần xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, trước hết là thư viện trường học.


- Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời sẽ diễn ra những hoạt động gì, thưa ông?


- Lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015 sẽ diễn ra vào ngày 2-10. Tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn hoạt động phù hợp. Chẳng hạn như: xây dựng thư viện ở các nhà trường, cộng đồng; tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và mọi người dân được đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường bằng các giải pháp như: luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp nhằm giúp cho việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giới thiệu về sách, khuyến khích học sinh đọc sách; xây dựng thư viện điện tử (ở những nơi có điều kiện). Ngoài ra, có thể tổ chức ngày hội đọc hàng năm với những hoạt động như: thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, dựng phim, hoạt động sân khấu... dựa theo sách đã đọc. Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng yêu cầu học sinh tự đọc, tự nghiên cứu sách để có kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy đáp ứng theo mục tiêu dạy học. Các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ...  tổ chức hướng dẫn cha mẹ, ông bà cách đọc sách và kể chuyện cho trẻ. Các cơ sở giáo dục tổ chức thảo luận, trao đổi với phụ huynh, học sinh thống nhất quy định về thời gian học sinh đọc sách tại thư viện trường, ở nhà và số lượng đầu sách đọc trong năm; thống nhất với cha mẹ học sinh về việc cùng tham gia đọc sách với con. Các đơn vị cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi...; tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham quan, hội diễn văn nghệ, các hoạt động thể dục thể thao... và các hoạt động cụ thể, thiết thực khác.


- Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)