Năm 2015, kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT được tổ chức trong 4 ngày; năm 2016, dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 ngày 13, 14, 15/6. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 22/6.
Năm 2015, kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT được tổ chức trong 4 ngày; năm 2016, dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 ngày 13, 14, 15/6. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 22/6.
|
Thí sinh mệt mỏi chờ xem điểm để nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu. |
Giảm bớt việc cho các sở
GS.TSKH Nguyễn Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia cùng với việc khắc phục một số hạn chế trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng dành quyền tự chủ cao hơn cho nhà trường; Bộ GD&ĐT kiểm soát chất lượng và quy chế; tăng cường kiểm soát quy mô đào tạo về tuyển sinh, đặc biệt là một số trường ĐH lớn. PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cũng cho biết, các đại biểu đề nghị kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cần có sự phối hợp của các Sở GD&ĐT ở khâu đăng ký xét tuyển để tránh tình trạng thí sinh, phụ huynh phải lúng túng và vất vả.
Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn giao cho các trường ĐH và các Sở việc công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia để Bộ được chia sẻ bớt gánh nặng của kỳ thi. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ nên kiểm tra năng lực đào tạo các trường trước khi phân bổ chỉ tiêu để đảm bảo công bằng giữa các trường.
Sửa nhiều bất cập
Về kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT, ý kiến khá tập trung tại Hội nghị cho rằng, thời gian thi trong 4 ngày như năm 2015 là quá dài, gây áp lực cho thí sinh và nhà trường. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo và toàn xã hội, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 trong 3 ngày 13,14,15/6 năm 2016 với một số đổi mới: đề thi năm 2016 tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt, để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi. Sau khi có kết quả thi, các trường ĐH, CĐ sẽ chủ động tự tổ chức tuyển sinh và Bộ chỉ quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh, giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày.
Ngoài ra, các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường…
Ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, sau khi thi xong, Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường xét từng đợt. “Thời gian xét tuyển từng đợt cần rút gọn xuống còn 12-13 ngày, thí sinh được cấp 3 giấy báo, mỗi đợt nộp 1 trường hoặc tối đa 2 nguyện vọng, sau mỗi đợt công bố kết quả, thí sinh sẽ quyết định nhập học trường nào bằng 1 tờ giấy nhập học. Sau đó cứ thế xét, sẽ tránh tỉ lệ ảo lớn hơn đề xuất cho thí sinh tự do đăng ký vào các trường”, ông Chính nói.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: “Không nên tổ chức cụm thi địa phương, chúng ta nên chấp nhận tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp nhưng là cơ hội để các sở, các trường THPT nhìn nhận lại kết quả này để cố gắng”. Đồng quan điểm trên, ông Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2015 cả nước có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, 63 cụm thi do Sở phối hợp với các trường ĐH chủ trì là quá nhiều. “Chúng ta chỉ nên tổ chức 1 loại cụm thi và giao cho các trường ĐH chủ trì mà thôi”, ông Lập nói.
|
Phụ huynh và thí sinh ngồi kín hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chờ kết quả điểm để nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng (20/8/2015). Ảnh: Ngọc Châu. |
Tuyển sinh phải theo tinh thần tự chủ đại học
Về vấn đề thi và tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: hiện tại chưa có quyết định cuối cùng nhưng nhất định kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những mặt được của năm nay, khắc phục những mặt hạn chế để có một kỳ thi công bằng, trung thực và nghiêm túc. Phó Thủ tướng chỉ đạo: tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ ĐH; Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết để đảm bảo công bằng cho học sinh và tôn trọng quyền tự chủ của các trường.
Giáo dục ĐH tại Việt Nam hãy chọn một trong các “thước đo” giáo dục ĐH trong các tổ chức của thế giới để biết thế giới nhìn giáo dục ĐH như thế nào. Bộ GD&ĐT cần khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân để có thể sớm ban hành khung trình độ quốc gia”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Cần cơ cấu lại ĐH, CĐ: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong bối cảnh có một số trường ĐH, CĐ, trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc cơ cấu lại hệ thống các trường (chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín...) để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng, góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới.
Theo Tiền phong