06:09, 15/09/2015

Vẫn còn tình trạng thiếu sách

Năm học mới đã bắt đầu được 3 tuần, nhưng đến thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn chưa mua được sách Giáo dục quốc phòng cho con. Một phụ huynh cho biết: Tôi phải chạy khắp các hiệu sách trong thành phố, nhưng đến cửa hàng nào cũng nhận được cái lắc đầu.

Năm học mới đã bắt đầu được 3 tuần, nhưng đến thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn chưa mua được sách Giáo dục quốc phòng cho con. Một phụ huynh cho biết: Tôi phải chạy khắp các hiệu sách trong thành phố, nhưng đến cửa hàng nào cũng nhận được cái lắc đầu. Bất đắc dĩ, tôi phải mượn sách của cô bé hàng xóm để đi photo. Đưa sách cho con, cháu tỏ vẻ không mặn mà vì bản photo không đẹp như bản chính, nhưng rồi cháu cũng chặc lưỡi: “Đành chấp nhận mẹ ạ. Ở lớp con các bạn cũng photo đầy ra đấy!”.


Nhiều phụ huynh cũng than phiền và tỏ ra lo lắng, mệt mỏi vì tình trạng này. Chị Nhã Uyên ở đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) cho hay, chị đã lâm vào tình cảnh này 2 năm nay. Năm ngoái, khi con chị học lớp 10, chị cũng đã phải chạy đôn chạy đáo mới mua được sách Giáo dục quốc phòng cho con, nhưng không phải mua ở hiệu sách mà là nhờ người quen mua ở thư viện của một trường cấp 3 trong thành phố. Năm nay, tình trạng trên lặp lại, nhưng tiếc là thư viện trường kia cũng không có nên chị cũng phải đi photo.


Điều đáng nói, tình trạng thiếu sách chỉ diễn ra đối với môn Giáo dục quốc phòng. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, tại sao ngành Giáo dục đã đưa môn Giáo dục quốc phòng vào chương trình chính khóa mà lại không in sách đầy đủ cho học sinh? Với những quyển sách photo (giá đắt gấp đôi giá bìa), chất lượng lại không thể bằng bản chính, liệu có làm giảm đi sự thích thú của các em đối với môn học?


Theo số liệu của Nhà xuất bản Giáo dục, chuẩn bị cho năm học mới, đơn vị này đã phát hành hơn 96,4 triệu bản sách giáo khoa và cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu sách trên toàn quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị này cũng thừa nhận thời gian qua có tình trạng thiếu sách cục bộ tại một số địa phương, ở rải rác một số đầu sách. Nguyên nhân là do vào thời điểm phát hành cận kề năm học mới, một số đại lý, cửa hàng sách tại các tỉnh, thành phố có hiện tượng không nhận thêm sách giáo khoa để bán vì sợ tồn kho nên xảy ra tình trạng thiếu sách giả tạo, thiếu cục bộ tại một vài thời điểm.


Thiết nghĩ, dù là nguyên nhân gì thì ngành Giáo dục cũng không nên để lặp lại tình trạng này. Thay vì chủ yếu phát hành thông qua các đại lý, nhà sách, nên chăng ngành Giáo dục nói chung, Nhà xuất bản Giáo dục nói riêng cần hướng tới việc phát hành trực tiếp tại các trường học, phục vụ tận tay học sinh. Có như vậy mới đảm bảo cho học sinh có đầy đủ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.


Ngọc Khánh