11:09, 16/09/2015

Nghiên cứu khoa học trong ngành Giáo dục: Có bước phát triển

Công tác nghiên cứu khoa học trong ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa năm học qua đã có những bước phát triển nhất định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục và thực hiện các mục tiêu đổi mới của ngành.

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong ngành Giáo dục (GD) tỉnh Khánh Hòa năm học qua đã có những bước phát triển nhất định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GD và thực hiện các mục tiêu đổi mới của ngành.


Đầu tư bài bản hơn


Năm học 2014 - 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có 43 đơn vị trực thuộc đăng ký tham gia NCKH với 527 đề tài, trong đó có 416 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) và 111 NCKH sư phạm ứng dụng. Tính đến cuối tháng 5-2015, có 429 đề tài NCKH sư phạm ứng dụng, SKKN, bài báo khoa học nộp về Sở và đề nghị Hội đồng khoa học ngành thẩm định, xét công nhận. So với những năm học trước, số lượng đề tài tăng đáng kể (năm học 2012 - 2013: 273 đề tài, năm học 2013 - 2014: 341 đề tài) và lĩnh vực nghiên cứu cũng phong phú hơn với 17 lĩnh vực.

 

Một tiết học
Một tiết học


Theo kết quả thẩm định của Sở GD-ĐT, trong số 429 đề tài, có 6 đề tài xếp loại tốt, 46 đề tài khá, 199 đề tài đạt yêu cầu. Theo ông Lê Đình Thuần - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công tác học sinh sinh viên (Sở GD-ĐT), kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài có đầy đủ minh chứng, khảo nghiệm, thực nghiệm sư phạm mang tính thuyết phục cao; kỹ thuật trình bày đẹp và khoa học, cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của các chủ nhiệm đề tài và sự theo dõi, kiểm tra sát sao của lãnh đạo đơn vị. Phần lớn các đề tài đều xuất phát từ thực tế công tác quản lý, dạy và học và các hoạt động khác trong nhà trường. Đồng thời, đề ra các giải pháp thay thế, góp phần nâng cao chất lượng GD. Tiêu biểu có thể kể đến các đề tài: Biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập Lịch sử, Địa lý Khánh Hòa dành cho cấp tiểu học (tác giả Hà Văn Thông - Sở GD-ĐT); Sử dụng trò chơi trong phần warm-up Tiếng Anh 10 nhằm nâng cao hiệu quả học tập của học viên lớp 10 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Khánh Sơn (Trần Thị Kim Xuyến - Trung tâm GDTX Khánh Sơn); Ứng dụng tài liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa trong trường phổ thông trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Nguyễn Thị Kim Anh - THPT Nguyễn Trãi); Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật thông qua những nhân vật lịch sử tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam (1945 đến 1975) (Nguyễn Thị Thanh Vân - THPT Nguyễn Thiện Thuật); Giải pháp giúp học sinh Trung tâm GDTX thị xã Ninh Hòa khắc phục lỗi khi phát âm các phụ âm tắc vô thanh tiếng Anh (Đoàn Thị Thanh Xuân - Trung tâm GDTX thị xã Ninh Hòa); Tạo hứng thú và nâng cao chất lượng dạy - học văn bản tự sự lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ bằng phương pháp đóng vai (Hoàng Thị Thanh - THPT Nguyễn Huệ)...


Khắc phục những hạn chế


Tuy có bước phát triển so với các năm học trước nhưng công tác NCKH sư phạm ứng dụng, SKKN năm học 2014 - 2015 vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn nhiều đề tài có nội dung nghiên cứu mang nặng về lý luận, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành, cơ sở. Có đề tài nhầm lẫn giữa NCKH sư phạm ứng dụng, SKKN với các báo cáo chuyên đề, tham luận hội thảo, báo cáo sơ kết, tổng kết của cá nhân, đơn vị. Hiện tượng sao chép nguyên vẹn nội dung từ các trang mạng vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, nhiều đề tài đến thời điểm thẩm định còn thiếu minh chứng, số liệu, hình ảnh, phiếu hỏi, phiếu điều tra...; quá trình khảo sát, thực nghiệm sư phạm thiếu khách quan và không đủ tin cậy. Nhiều đơn vị, trường học cũng chưa có sự quan tâm, đầu tư cho công tác này nên còn hạn chế trong cách đặt tên đề tài, xác định mục tiêu, đối tượng nghiên cứu, tổ chức thực nghiệm sư phạm... Thậm chí, có những đề tài còn mắc lỗi chính tả, dấu câu, cách sử dụng từ ngữ, kỹ thuật trình bày; thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng thang đo, phiếu hỏi...


Nhằm thúc đẩy phong trào NCKH của ngành trong các đơn vị, trường học năm học 2015 - 2016, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc về công tác NCKH sư phạm ứng dụng, SKKN. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nghiệp vụ NCKH cho cán bộ, giáo viên các đơn vị trực thuộc có trình độ từ thạc sĩ trở lên... Sở cũng yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai các đề tài NCKH sư phạm ứng dụng, SKKN nên tập trung vào những đổi mới trong hoạt động quản lý GD, đổi mới phương pháp dạy học; phát triển và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện xã hội hóa GD; đổi mới nội dung, chương trình và sách giáo khoa; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh... Các đơn vị cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức phổ biến, ứng dụng kết quả NCKH sư phạm ứng dụng hoặc SKKN vào thực tiễn thông qua các hình thức: đưa lên website; tổ chức hội thảo theo các chuyên đề; báo cáo, trao đổi thảo luận trong nhóm, tổ chuyên môn, trong trường; tổ chức thử nghiệm các hoạt động quản lý, các phương pháp dạy học mới... Ngoài ra, Sở khuyến khích các đơn vị tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc cấp tỉnh. Việc đăng ký, đề xuất đề tài phải phù hợp với chủ trương và yêu cầu đổi mới của ngành GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đi sâu giải quyết những vấn đề của thực tiễn GD tại đơn vị cơ sở...


H. NGÂN