Ngày 5-9, cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, hơn 270.000 học sinh tỉnh Khánh Hòa chính thức bước vào năm học mới 2015 - 2016. Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở các địa phương đã cơ bản hoàn tất.
Ngày 5-9, cùng với hàng triệu học sinh (HS) trên cả nước, hơn 270.000 HS tỉnh Khánh Hòa chính thức bước vào năm học mới 2015 - 2016. Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở các địa phương đã cơ bản hoàn tất.
Khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất
Có mặt tại Trường Mầm non (MN) Hoa Phượng (huyện Diên Khánh), 1 trong 5 trường MN trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức độ II, chúng tôi cảm nhận được không khí chuẩn bị cho năm học mới hết sức khẩn trương. Tại khu vực nhà bếp, các nhân viên đang tiến hành sửa chữa đường ống dẫn gas; trong các phòng học, từng nhóm giáo viên (GV) tất bật trang trí lớp, làm đồ dùng học tập cho các cháu... Bà Huỳnh Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Phượng cho biết, năm học này, trường có 17 nhóm lớp với 11 lớp mẫu giáo và 6 nhóm trẻ, 68 cán bộ, GV. Từ nguồn học phí năm học hơn 350 triệu đồng, ngay từ trong hè, nhà trường đã triển khai làm mới, sửa chữa các phòng học, sân chơi, cổng, bàn ghế, khu vui chơi ngoài trời cho trẻ, mua sắm văn phòng phẩm phục vụ học tập... Nhà trường cũng làm việc với ban đại diện cha mẹ HS để huy động thêm nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho trường. Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng nguyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, GV, chuẩn bị công tác y tế học đường, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên cấp dưỡng, cán bộ, GV...
Làm đồ dùng học tập cho học sinh tại Trường Mầm non Hoa Phượng (Diên Khánh) |
Ông Đinh Gia Bảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Diên Khánh cho biết, năm học 2015 - 2016, huyện đầu tư hơn 26,5 tỷ đồng để xây mới 31 phòng học, sửa chữa 29 phòng, xây 2 bếp ăn đưa vào sử dụng trong trường tiểu học, xây sân bê tông, cổng tường rào một số trường... Ngoài ra, phòng cũng chỉ đạo các trường sửa chữa bàn ghế, trang trí trường lớp, đảm bảo đủ chỗ ngồi cho HS trong năm học mới.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT: Năm học 2015 - 2016, ngành GD-ĐT tiếp tục đầu tư cho GD miền núi, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều bất cập về mạng lưới trường học các cấp. Đồng thời, ngành quan tâm hơn tới GD mũi nhọn bằng việc xây dựng đề án và đầu tư phát triển hệ thống trường chất lượng cao các cấp, chỉ đạo các trường tổ chức một số lớp chất lượng cao trong các trường phổ thông công lập... |
Theo kế hoạch, năm 2015, ngành GD-ĐT tỉnh chi hơn 280 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm phương tiện, thiết bị đồ dùng dạy học. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản hơn 266 tỷ đồng, bao gồm xây mới 63 phòng học MN, 98 phòng học cấp tiểu học, 28 phòng học cấp THCS, 13 phòng chức năng cho các trường MN để học các môn GD nghệ thuật, làm quen với ngoại ngữ, tin học; 36 phòng phục vụ học tập cho các cấp phổ thông, 3 nhà đa năng, 17 nhà hành chính, 11 thư viện, 17 bếp ăn... Bên cạnh đó, ngành cũng đầu tư mua sắm thiết bị dạy học với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư hơn 6 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ chơi thực hiện đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; đầu tư 3,7 tỷ đồng bổ sung thiết bị cho cấp tiểu học với 17 bảng chống lóa, 1.910 bộ bàn, 5.730 bộ ghế, 72 bộ máy vi tính. Đối với cấp THCS, ngành đầu tư 1,2 tỷ đồng để mua sắm 410 bộ bàn, 2.080 bộ ghế, 81 máy vi tính... Đến nay, tuy còn một số công trình vẫn đang triển khai thi công song nhìn chung, các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, đảm bảo điều kiện cho việc dạy và học.
Giáo viên điểm trường Cầu Gỗ thuộc Trường Tiểu học Sơn Bình (Khánh Sơn) hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: NHÂN TÂM |
Ngoài nguồn vốn ngân sách, nhiều trường học cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa GD, huy động được các tổ chức, cá nhân đóng góp ngày công lao động, tặng cây cảnh, hỗ trợ bàn ghế, thiết bị; tặng học bổng tiếp sức cho HS nghèo đến trường. Phong trào “trường giúp trường” được triển khai sâu rộng, trong đó phải kể đến việc các phòng GD-ĐT ở thành phố đã quyên góp, tặng dụng cụ nhà bếp, nhà ăn, tặng sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo cho HS 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh...
Thiếu giáo viên
Bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, dịp hè vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, GV trong toàn ngành nhằm phục vụ công tác giảng dạy trong năm học mới đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành là thiếu GV giảng dạy. Trong đó, huyện Vạn Ninh thiếu 140 GV; huyện Diên Khánh thiếu 46 GV... Trong khi chờ tuyển dụng chính thức, các phòng GD-ĐT đã hợp đồng với một số GV và sinh viên mới ra trường để đảm bảo việc dạy và học.
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Sơn Lâm (Khánh Sơn) đang bọc sách vở chuẩn bị năm học mới. Ảnh N.T |
Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngày 8-7-2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18 giao tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp GD trên địa bàn tỉnh năm học 2014 - 2015 là 17.550 người. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu số lớp, số HS thực tế, toàn ngành cần 17.886 người, vượt 336 người so với Nghị quyết 18. Đến nay, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT năm 2014 - 2015 chưa được tiếp tục giao. Trong khi đó, năm học 2015 - 2016 đã bắt đầu, toàn ngành cần tới 18.625 người, vượt 1.075 người so với Nghị quyết 18 và vượt 739 người so với thực tế năm học 2014 - 2015. “Nếu cử các GV hiện có dạy tăng cường, dạy thay cho 1.075 người còn thiếu thì số tiền chi cho dạy tăng, dạy thay là rất lớn, các trường không đủ kinh phí hoạt động. Sở GD-ĐT đã kiến nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tạm giao biên chế năm học 2015 - 2016 là 18.625 người để có cơ sở cho các địa phương tuyển dụng số người còn thiếu” - ông Tứ nói.
Không khí rộn ràng của ngày khai giảng năm học mới đã tràn ngập khắp các nẻo đường, trường học. Mong rằng, với sự quan tâm về mọi mặt của các cấp, ngành cùng sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm học 2015 - 2016.
H.NGÂN
Tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, tiết kiệm
Thanh tra Sở GD-ĐT vừa tiến hành thanh tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2015 - 2016 tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của đoàn thanh tra, các trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, tiết kiệm theo tinh thần chỉ đạo của Sở; trong đó nội dung buổi lễ chú trọng tổ chức việc đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước... Các điều kiện phục vụ dạy và học ở các trường nhìn chung đảm bảo. Cảnh quan môi trường được chỉnh trang sạch đẹp để đón năm học mới.