Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân dịp ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân dịp ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
- Với nỗ lực chung của toàn ngành, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp của các lực lượng xã hội, năm học 2014 - 2015, ngành GD-ĐT đã có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Quy mô phát triển của các cấp học, ngành học tiếp tục ổn định và đúng hướng. Công tác phổ cập GD các cấp được duy trì, củng cố và phát triển. Chất lượng, hiệu quả GD toàn diện có chuyển biến cụ thể; trong đó chất lượng GD văn hóa tiếp tục được nâng lên; mạng lưới trường lớp được bố trí hợp lý, hệ thống trường lớp của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Chất lượng GD miền núi và các vùng dân tộc thiểu số đã có những tiến bộ nhất định, trong đó phải kể đến hiệu quả tích cực của việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh (HS). Bên cạnh đó, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động GD và dạy - học trong toàn ngành tiếp tục được tăng cường về cả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cơ sở vật chất - kỹ thuật. Công tác quản lý GD tiếp tục đổi mới theo xu thế cải cách, tiến bộ; được đông đảo cán bộ, giáo viên, HS hoan nghênh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Tình trạng nhũng nhiễu trong các lĩnh vực nhạy cảm như thuyên chuyển, tuyển dụng, tuyển sinh đầu cấp đã được đấu tranh và đẩy lùi từng bước.
- Bên cạnh những kết quả trên, năm học qua ngành GD-ĐT vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: tình trạng HS miền núi bỏ học, chất lượng GD một số nơi còn hạn chế, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm... Có phải công tác quản lý, chỉ đạo của ngành chưa thật sự nghiêm, thưa ông?
- Năm học vừa qua, tình trạng HS bỏ học ở các địa bàn khó khăn, các trường THPT ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn diễn ra. Một bộ phận HS dân tộc thiểu số chưa chăm chỉ học tập dù đã được ưu đãi, chăm lo về mọi mặt. Chất lượng GD ở một số trường, một số địa bàn (nhất là ở các huyện miền núi, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số) còn hạn chế. Cơ sở vật chất trường học tuy đã được cải thiện so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD. Một số cơ sở, trường học bị xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư kịp thời, gây khó khăn cho công tác dạy và học. Ở một vài nơi vẫn xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; thu chi không đúng quy định; sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm GD ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường. Những mặt hạn chế, yếu kém đó có phần bắt nguồn từ những khó khăn khách quan đã có từ lâu nhưng cũng có phần quan trọng thuộc về công tác quản lý GD; trong đó có một bộ phận cán bộ quản lý ít năng động, chậm đổi mới. Những kết quả của toàn ngành trong năm học qua sẽ tiếp sức cho sự nghiệp GD tỉnh tiếp tục phát triển, vươn lên và những yếu kém, nhược điểm trên cũng là bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý, chỉ đạo của ngành và từng đơn vị, trường học trong năm học tới.
- Xin ông cho biết những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT tỉnh trong năm học 2015 - 2016, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT?
- Năm học 2015 - 2016, toàn ngành tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT; tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ban ngành và địa phương trong quản lý GD; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý GD. Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD đối với các loại hình GD tư thục, các hình thức đào tạo tại chức và liên kết đào tạo, các cơ sở GD-ĐT có yếu tố nước ngoài. Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT; tiếp tục giữ vững và phát huy kết quả về phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả xóa mù chữ cho người lớn, kết quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập GD THCS, tăng cường phân luồng HS sau THCS và THPT. Thứ ba, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD các cấp, đi đôi với việc tổ chức bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng chuẩn và nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt. Thứ tư, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính GD nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho GD. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, tập trung vào một số khu vực, địa bàn có nhiều bất cập về mạng lưới trường học các cấp. Đồng thời, tiếp tục đầu tư có trọng điểm để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; đầu tư cho các trường, lớp GD mũi nhọn ở từng địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)