Đề thi THPT quốc gia 2015 được đánh giá là dễ với 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp, do đó phổ điểm được dự báo tăng hơn năm ngoái và cơ hội vào đại học vì thế sẽ khó hơn. Ở nhiều ngành, tổng điểm 3 môn được 21 điểm chưa chắc trúng tuyển.
Đề thi THPT quốc gia 2015 được đánh giá là dễ với 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp, do đó phổ điểm được dự báo tăng hơn năm ngoái và cơ hội vào đại học vì thế sẽ khó hơn. Ở nhiều ngành, tổng điểm 3 môn được 21 điểm chưa chắc trúng tuyển.
Ngày 20/7 là hạn cuối các trường đại học chủ trì cụm thi quốc gia phải công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia. 5 ngày sau, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả xét tốt nghiệp THPT. Trước ngày 1/8, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ xử lý dữ liệu, công bố điểm xét tuyển đầu vào. Sau đó, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển.
TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông lâm TP HCM cho biết, chủ trương ra đề của Bộ Giáo dục là dành 60% số điểm để thí sinh xét tốt nghiệp. Vì thế thí sinh muốn xét vào đại học sẽ có phổ điểm cao hơn và điểm trúng tuyển vào các trường đại học cũng sẽ tăng mạnh trong năm nay.
“Phổ điểm từ 6 đến 8 sẽ chiếm đa số vì đề dễ. Do đó, thí sinh có tổng điểm từ 21 trở xuống chưa chắc trúng tuyển. Điểm chuẩn được xác định sau khi lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Năm 2014, điểm chuẩn khối A, A1, D1 từ 16 đến 18, khối B từ 17 đến 21 điểm thì năm nay có khả năng mỗi khối sẽ tăng mạnh”, ông Lý nhận định.
Điểm chuẩn vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ tăng cao. Trong ảnh: Học sinh các trường THPT tại TP HCM tìm hiểu môi trường học tập tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Duy |
Còn PGS. S Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay sẽ cao hơn năm 2014. Tất cả các ngành của trường sẽ áp dụng nhân hệ số 2 môn Toán nên thí sinh đạt điểm cao môn này sẽ có lợi thế. Những ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều và điểm chuẩn sẽ tăng cao như: Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử...
“Những ngành này mỗi môn thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên mới nên nộp hồ sơ xét tuyển. Còn dưới 7 điểm, các em chỉ nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành: Công nghệ in, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật nhiệt... Ngành có điểm chuẩn thấp nhất vào trường sẽ từ 16 điểm trở lên”, ông Dũng nói.
Tương tự, điểm chuẩn vào Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) được dự báo tăng mạnh so với các năm trước do đề khối C năm nay dễ. “Một số ngành sẽ có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên. Trường sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển thử. Thí sinh nhập thông tin cá nhân, điểm trung bình để quen dần trước khi xét tuyển chính thức”, PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường nói.
PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, những năm trước điểm chuẩn vào trường thường cao hơn so với mặt bằng chung. Năm nay, đề thi dễ hơn nên điểm chuẩn cũng sẽ tăng lên. Trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành, chuyên ngành lên trang web. Dựa vào đó, thí sinh có thể biết được vị trí của mình trong tổng chỉ tiêu cần tuyển.
Đại diện các trường đại học Kinh tế, Ngân hàng, Tài chính Marketing, Sư phạm… đều dự đoán điểm chuẩn vào trường sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm, tùy từng ngành. Chỉ Đại học Y dược TP HCM là điểm chuẩn sẽ tương đương hoặc thấp hơn các năm trước do đề thi môn Hóa, Sinh quá dài và khó.
Đại học Luật TP HCM là trường duy nhất ở khu vực phía Nam có tổ chức hậu tuyển sau khi có điểm của kỳ thi THPT quốc gia. GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm đầu vào của tân sinh viên sẽ được lấy 60% từ điểm thi THPT quốc gia, 20% điểm từ học bạ ở 3 năm học THPT và 20% từ bài khảo sát năng lực đầu vào do trường tổ chức. “Trường sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Chắc chắn, điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ cao hơn năm trước”, bà Quỳ cho biết.
Nói về điểm chuẩn năm nay, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngưỡng điểm xét đầu vào sẽ phụ thuộc vào phổ điểm có được sau khi các trường chấm thi xong. Lúc đó, hội đồng xác định ngưỡng xét đầu vào của Bộ Giáo dục sẽ tư vấn cho Bộ trưởng quyết định phương án xét tuyển theo chất lượng đầu vào.
“Việc xét chất lượng đầu vào năm nay sẽ khó hơn nhiều so với các năm trước. Từ năm 2014 trở về trước chỉ xác định điểm sàn theo khối, còn năm nay hội đồng sẽ xét theo nguyên tắc. Từ ngưỡng xác định đầu vào, chúng ta công bố bảng nguyên tắc tổ hợp xét tuyển các môn. Các trường xét nhiều khối sẽ dựa vào nguyên tắc đó để xét cho phù hợp”, ông Ga nói.
Theo VN Express