(Ông Phan Thanh Liêm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa)
(Ông Phan Thanh Liêm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa)
- Từ cái nôi về đào tạo trong lĩnh vực thủy sản trở thành cơ sở giáo dục đào tạo đa ngành, nhiệm kỳ qua, trường đã tiếp tục củng cố, phát triển theo hướng đa ngành. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật về công tác đào tạo của nhà trường?
- Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong đó có công tác đào tạo. Trường đã mở rộng quy mô đào tạo với gần 20.000 sinh viên, học viên (SV-HV) ở các bậc, hệ đào tạo. Công tác tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước, nếu như năm 2010 tuyển sinh 2.600 SV-HV thì năm 2014 tuyển 5.600 SV-HV và năm 2015 Bộ giao tuyển sinh 5.800 chỉ tiêu. Các ngành đào tạo về thủy sản - thế mạnh của nhà trường luôn ổn định và thu hút được người học.
Về chương trình đào tạo, với phương châm phát triển theo hướng đa ngành, đáp ứng nhu cầu của xã hội, trường tiếp tục mở các ngành đào tạo mới, từ chỗ có 19 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH năm 2011, đã phát triển lên 29 ngành/chuyên ngành năm 2015. Trình độ cao đẳng từ 6 ngành năm 2011 tăng lên 16 ngành/chuyên ngành năm 2015. Các ngành đào tạo mới đã đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội như: công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; công nghệ kỹ thuật hóa học; quản lý thủy sản; kinh tế phát triển; hệ thống thông tin quản lý... Đặc biệt, trình độ đào tạo sau ĐH tiếp tục phát triển nhanh. Đến nay, trường có 5 ngành đào tạo bậc tiến sĩ, 12 ngành đào tạo thạc sĩ với quy mô gần 2.000 HV, nghiên cứu sinh. Việc phát triển nhà trường theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và đa cấp học bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.
Về công tác tổ chức quản lý đào tạo, trường đã chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ một cách triệt để. Với hình thức đào tạo này, SV được hoàn toàn chủ động việc học tập, nghiên cứu của bản thân. Đồng thời, trường cũng đã xây dựng hoàn thiện và công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo ở tất cả các trình độ đào tạo. Công tác quản lý đào tạo và tư vấn hỗ trợ SV được tập trung một đầu mối theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, rèn luyện của SV cũng như sự phối hợp cùng giáo dục SV của các bậc phụ huynh.
- Bên cạnh những kết quả trên, ở các mặt công tác khác, trường còn đạt những thành tích gì, thưa ông?
- Cùng với kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trường đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện như: Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh với hơn 180 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được thực hiện; 873 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, 23 hội thảo quốc tế được tổ chức, ký mới và ký lại 20 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy được nâng cao. Trường hiện có hơn 400 giảng viên có trình độ sau ĐH, 110 tiến sĩ, trong đó hơn 60% số tiến sĩ được đào tạo ở các nước phát triển trên thế giới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo tiếp tục được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của cán bộ viên chức, SV-HV.
Công tác tư tưởng được tiến hành thường xuyên, đúng định hướng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã ăn sâu vào nếp nghĩ và việc làm, trở thành thường xuyên đối với toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và SV, thể hiện bằng nhiều việc làm phổ biến và cụ thể như: Sưu tầm, biên tập và in thành tài liệu phổ biến hơn 500 câu chuyện hay về Bác; 100% giảng viên đều công khai, minh bạch giáo trình, tài liệu giảng dạy và bài giảng điện tử lên Thư viện số của trường, nhằm tạo thuận tiện cho đồng nghiệp tham khảo và SV-HV có tư liệu để chủ động nghiên cứu và học tập...
- Thưa ông, với mục tiêu đến năm 2020, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, tạo nền tảng để sớm đưa Trường ĐH Nha Trang trở thành trường ĐH định hướng ứng dụng hàng đầu của khu vực miền Trung, Đảng bộ sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để phấn đấu đạt được mục tiêu này trong nhiệm kỳ tới?
- Để thực hiện thắng lợi mục tiêu quan trọng này, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp cơ bản: Tiếp tục phát triển đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ, đa hình thức đào tạo, trong đó chú trọng hàng đầu các chuyên ngành thủy hải sản là thế mạnh và mũi nhọn. Tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: Một là, tiếp tục bổ sung hoàn thiện chương trình đào tạo hiện có đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội và hội nhập. Hai là, tiếp cận và thực hiện theo lộ trình thực thi kế hoạch chiến lược phát triển trường đến năm 2030 trở thành trường ĐH định hướng ứng dụng; đổi mới tổ chức, quản lý đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm để chỉ đạo và tổ chức tuyển dụng, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ giảng viên cho sát hợp với yêu cầu của người học. Kiên quyết thực hiện phương châm nhà trường và người thầy chỉ đào tạo những việc mà xã hội có nhu cầu và người học cần chứ không đào tạo, giảng dạy những điều mà nhà trường hay giảng viên có.
Đồng thời, đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng gắn liền với thực tiễn sản xuất, ưu tiên các hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn, liên ngành và gắn với thế mạnh thủy sản; xây dựng và triển khai các nghiên cứu cơ bản theo mục tiêu; tăng cường hợp tác về khoa học - công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên các chính sách khuyến khích nhà khoa học tích cực hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghề cá, làm khâu đột phá, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.
- Xin cảm ơn ông!
K.N (Thực hiện)