Thực hiện chuyên đề "Nâng cao chất lượng phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non", nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch lại sân vườn, tận dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có để xây dựng khu phát triển thể chất cho trẻ.
Thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non (MN)”, nhiều trường MN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch lại sân vườn, tận dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có để xây dựng khu phát triển thể chất cho trẻ.
Giáo dục thể chất tại Trường Mầm non Hương Sen |
Chung sức tạo nên sân chơi
Trường MN Trầm Hương (huyện Khánh Vĩnh) được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chọn là 1 trong 3 trường trên địa bàn tỉnh thực hiện thí điểm chuyên đề này. Với đặc thù của địa bàn miền núi, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, kinh tế các gia đình còn khó khăn..., nhà trường đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để làm đồ dùng GD phát triển vận động cho trẻ. Khu vực khám phá khoa học được sử dụng đá, cát, sỏi để tổ chức các trò chơi phát triển vận động như: làm bánh, sàng cát, thí nghiệm lốc xoáy thu nhỏ... Khu vườn phía sau sử dụng tre, gỗ, lốp xe cũ... để làm cầu khỉ, vòng lốp chui, cầu bập bênh, cầu treo, sân bóng mini... Khu vực dưới bóng cây vừa là nơi nghỉ ngơi cho trẻ, vừa để tổ chức các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, ném vòng, chơi thẻ chuyền... Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh đã tự tạo đu quay, xe đẩy, xe nhựa, thú nhún... cho các bé nhà trẻ; làm các loại đồ dùng, đồ chơi như: cà kheo, xà đơn, xà kép, tập tạ, mo cau, que múa lụa... Bà Bùi Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã đạt giải nhất cấp huyện trong hội thi xây dựng Khu thể chất cho trẻ MN. Đặc biệt, việc tăng cường các hoạt động thể chất giúp cho trẻ khỏe mạnh hơn, tỷ lệ nghỉ ốm khi thời tiết thay đổi đã giảm hẳn; các cháu tự tin, tự lập và nhanh nhẹn hơn trước...
Các cháu Trường Mầm non Hoa Mai (TP. Cam Ranh) trong giờ tập thể dục |
Cũng được chọn thí điểm thực hiện chuyên đề trên, Trường MN Hướng Dương (huyện Cam Lâm) và MN Hoa Mai (TP. Cam Ranh) đã huy động tốt nguồn kinh phí và công sức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh để xây dựng khu thể chất cho trẻ hoạt động. Tại Trường MN Hướng Dương, giáo viên và phụ huynh đã tạo sân chơi cho trẻ từ hơn 100 bánh xe, làm cầu tre, lưới nhện... để tổ chức cho trẻ chơi trò chú bộ đội đánh giặc, thi giữ thăng bằng trên đá, thi nhảy xa... Trường MN Hoa Mai tận dụng bãi cát trắng để trẻ chạy nhảy, làm sân cỏ nhân tạo cho trẻ đá bóng, làm xích đu bằng lốp xe, làm nhà sàn bằng tre... Kết quả khảo sát cuối năm về thể chất của các trường cho thấy, trẻ tích cực tham gia các hoạt động và mạnh dạn, tự tin hơn.
Cần nhân rộng mô hình
Toàn tỉnh có 186 trường MN. Sau 2 năm thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng phát triển vận động cho trẻ MN”, có 526 điểm ở các trường có sân chơi (tăng 167 điểm), 382 sân chơi có thiết bị đồ chơi ngoài trời (tăng 45 sân), 213 sân chơi có từ 5 loại thiết bị - đồ chơi trở lên (tăng 89 sân), 91 sân chơi có bộ đồ chơi liên hoàn (tăng 43 sân), 64 phòng GD thể chất (tăng 19 phòng). Tổng kinh phí đầu tư triển khai chuyên đề tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong 2 năm qua gần 11 tỷ đồng. 3 trường thí điểm và 14 trường có thành tích nổi bật trong việc thực hiện chuyên đề được Sở GD-ĐT hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. |
Theo bà Phan Thị Chiến - Phó Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT), qua 2 năm triển khai chuyên đề, đến nay, hầu hết các trường đã có khu phát triển vận động cho trẻ với nhiều đồ chơi, từ đồ chơi hiện đại đến đồ chơi làm từ nguyên vật liệu sẵn có của địa phương. Nhiều đơn vị đã quy hoạch sân chơi hợp lý, đẹp, nhiều cây xanh, bóng mát. Ngoài việc đầu tư xây dựng các khu phát triển vận động ngoài trời, một số trường còn đầu tư xây dựng phòng thể chất, bổ sung các đồ chơi phát triển vận động trong nhà. Phương pháp GD phát triển vận động cho trẻ cũng đã được đổi mới, lồng ghép trong các hoạt động vui chơi và hoạt động GD khác. Phụ huynh cũng nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải tăng cường vận động cho trẻ MN.
Tuy nhiên, hiện nay, việc nâng cao chất lượng vận động cho trẻ vẫn còn gặp khó khăn. Đa số các trường chưa có phòng GD thể chất riêng mà sử dụng chung với phòng âm nhạc; các thiết bị, đồ chơi chưa đảm bảo mức độ vận động khác nhau để mọi trẻ đều có thể vận động. Ở một số trường, xà đu quá cao so với trẻ nhỏ và thấp so với trẻ lớn; cầu thăng bằng, thang leo chưa đa dạng kiểu dáng; quy hoạch sân vườn chưa hợp lý; thiếu thiết bị, đồ chơi... Bên cạnh đó, phương pháp GD phát triển vận động cho trẻ chưa đa dạng, giáo viên chưa tận dụng thời gian cho trẻ vận động...
Năm học 2015 - 2016, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ phát triển vận động tại 3 đơn vị điểm, trang bị một số đồ chơi ngoài trời cho các đơn vị có điều kiện kinh tế khó khăn từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu. Bên cạnh đó, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên và tuyên truyền cho các phụ huynh kiến thức về việc phát triển thể chất cho trẻ. Những năm tới, Sở sẽ nhân rộng mô hình GD phát triển vận động...
H.NGÂN