Giảng dạy kỹ năng sống là mục tiêu quan trọng trong các hoạt động giáo dục cho học sinh hiện nay, đặc biệt ở cấp tiểu học. Đây cũng là một trong những nội dung góp phần thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bà Lê Thy Phê - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở giáo dục và đào tạo cho biết:
Giảng dạy kỹ năng sống là mục tiêu quan trọng trong các hoạt động giáo dục cho học sinh (HS) hiện nay, đặc biệt ở cấp tiểu học. Đây cũng là một trong những nội dung góp phần thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Bà Lê Thy Phê - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết:
- Năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT đã triển khai thí điểm giảng dạy “Thực hành kỹ năng sống” tại 40 trường tiểu học với 794 lớp, 25.350 HS của 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, dựa trên nội dung của bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” lớp 1, 2, 3, 4, 5 của Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đối với lớp 2 đến lớp 5, bắt đầu dạy học từ tuần lễ thứ 8 của năm học, mỗi tuần một bài, học kỳ I hoàn thành 7 bài, học kỳ II hoàn thành 8 bài. Đối với lớp 1, bắt đầu dạy học từ tuần 19 đến hết tuần 33 của học kỳ II để hoàn thành 15 bài.
- Một số ý kiến cho rằng, việc giảng dạy thực hành kỹ năng sống vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa hấp dẫn HS, bà nghĩ gì về điều này?
- Bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” giúp HS nhận thấy những kỹ năng sống cơ bản được hình thành theo các mối quan hệ với môi trường, gia đình và xã hội. Chẳng hạn như các nhóm kỹ năng: phát triển bản thân, quan hệ bạn bè, ứng xử trong gia đình, học tập; quan hệ và ứng xử trong xã hội... Qua đó đã bước đầu xây dựng cho HS một số kỹ năng về giao tiếp, thể hiện bản lĩnh cá nhân; giúp các em hứng thú với học tập hơn và tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động của lớp.
Tuy nhiên, đa số giáo viên vẫn còn lúng túng trong tổ chức giảng dạy, nặng về lý thuyết, chưa biết cách tổ chức cho HS tự trải nghiệm, tự tìm ra cách ứng xử để từ đó hình thành kỹ năng cho HS. Bên cạnh đó, có những nội dung bài dạy chưa phù hợp với điều kiện của HS ở nông thôn, nhưng một số trường chưa linh hoạt sáng tạo thay thế bằng chủ đề khác phù hợp. Một số bài tập ở các khối lớp được nêu ra khó hiểu, khó giải quyết, nhưng các tổ chuyên môn và giáo viên chưa chủ động lược bỏ hoặc tìm hướng giải quyết. Nhìn chung, việc dạy thực hành kỹ năng sống cho HS tại các trường mới chỉ đạt kết quả ở mức tác động vào nhận thức của giáo viên, phụ huynh và HS, chứ chưa thực sự hình thành được kỹ năng trong mỗi HS. Ngoài ra, nội dung bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” có một số yếu tố chưa thực sự hoàn chỉnh, giáo viên thiếu tài liệu hướng dẫn giảng dạy...
- Xin bà cho biết hướng triển khai giảng dạy kỹ năng sống trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh?
- Năm học 2015 - 2016, dự kiến Sở sẽ triển khai dạy “Thực hành kỹ năng sống” tại tất cả các trường tiểu học có dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn tỉnh; riêng đối với 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, bước đầu sẽ thí điểm đối với một số trường có điều kiện thuận lợi. Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các phòng GD-ĐT về cách thức tổ chức lớp học, sử dụng tài liệu, tự điều chỉnh tài liệu, hướng dẫn phân bổ thời lượng giảng dạy các bài học cho hợp lý và tìm nguồn tư liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên.
- Xin cảm ơn bà!
K.D (Thực hiện)