07:06, 19/06/2015

Mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại

Những năm qua, quan hệ hợp tác đối ngoại của Trường Đại học Nha Trang không ngừng được mở rộng và phát triển.

Những năm qua, quan hệ hợp tác đối ngoại (HTĐN) của Trường Đại học (ĐH) Nha Trang không ngừng được mở rộng và phát triển.


Trường ĐH Nha Trang bắt đầu xây dựng quan hệ hợp tác với các trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Năm 1998, phòng chức năng quản lý công tác quan hệ quốc tế ra đời, tuy nhiên hoạt động này khi đó vẫn được ghép chung với bộ phận sau ĐH. Tháng 9-2011, Phòng HTĐN được thành lập. Từ đó, công tác HTĐN được một đơn vị chuyên trách quản lý hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.


Ông Khổng Trung Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang cho biết, các mối quan hệ hợp tác của nhà trường tập trung vào mục tiêu nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu thông qua các hoạt động trao đổi cán bộ, trao đổi thông tin khoa học, hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Hiện nay, các chương trình HTĐN không chỉ tập trung vào những ngành truyền thống như: Nuôi trồng thủy sản, Chế biến thủy sản, mà đã mở rộng sang các ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Cơ khí, Kỹ thuật tàu thủy và bao trùm hầu hết các ngành nghề đào tạo của nhà trường. Trong hơn 80 đầu mối HTĐN, nhà trường đã ký hơn 60 bản thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học.


Những năm qua, nhiều dự án, chương trình đào tạo liên kết với đối tác nước ngoài đã được triển khai tại trường. Thông qua các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và các khóa học ngắn hạn, chất lượng nguồn nhân lực của nhà trường đã được nâng cao. Trong hơn 100 tiến sĩ hiện có của trường, hơn 40% được đào tạo ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, các cán bộ quản lý, giảng viên của trường thường xuyên được đi trao đổi, học tập, nghiên cứu và thực tập tại các trường, viện trên thế giới thông qua những chương trình hợp tác song phương và đa phương. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của cán bộ, giảng viên được nâng lên đáng kể.


Ngoài việc đưa sinh viên, cán bộ đi học tập, tham quan, khảo sát và nghiên cứu ở nước ngoài, trường cũng tiếp nhận các sinh viên quốc tế đến học các chương trình ĐH, sau ĐH, khóa học ngắn hạn theo các chương trình trao đổi sinh viên với ĐH Jan Evangelista Purkyne (Cộng hòa Séc), ĐH Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc), ĐH Udon Thani Rajabhat (Thái Lan)... Trường còn tiếp nhận các lưu học sinh Campuchia học sau ĐH tại trường thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với UBND tỉnh tiếp nhận các lưu học sinh Lào học tập tại trường. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia và sinh viên quốc tế đã đến trường giảng dạy cho sinh viên, trao đổi kinh nghiệm với giảng viên...


Các dự án HTĐN còn góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học của nhà trường. 5 năm qua, thư viện trường được các đối tác hỗ trợ hàng ngàn đầu sách, tài liệu tham khảo. Ông Khổng Trung Thắng cho biết, thời gian tới, cùng với việc mở rộng các mối quan hệ HTĐN, trường sẽ tập trung đa dạng hóa, khai thác các mối quan hệ đang có, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ. Bên cạnh đó, trường sẽ mở thêm một số chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH, các chương trình ngắn hạn giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu; tăng cường trao đổi thông tin khoa học qua việc trao đổi tài liệu, tổ chức các hội thảo, hội nghị với các đối tác quốc tế.


K.D

 




Các dự án quốc tế đã được thực hiện tại trường gồm: Tôm hùm ACIAR do  Úc tài trợ; một số dự án do Na Uy tài trợ: Nghiên cứu và đào tạo nuôi hải sản ở Việt Nam, Nâng cao năng lực cho ĐH Nha Trang, Ứng phó biến đổi khí hậu trong quản lý kinh tế, đa dạng sinh học và nuôi trồng thủy sản ở các nước Sri Lanka và Việt Nam...


Các chương trình đào tạo bao gồm: Đào tạo thạc sĩ quốc tế chuyên ngành Kinh tế thủy sản - Quản lý nuôi trồng thủy sản do Chính phủ Na Uy tài trợ; Đào tạo kỹ sư chuyên ngành Chế biến bằng Pháp ngữ; Đào tạo song ngữ Việt - Pháp chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Quản trị du lịch...


Các đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu: Nuôi thâm canh cá biển trong ao bằng mương nổi do Úc tài trợ; Nghiên cứu về ký sinh trùng trên cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long do EU tài trợ; Xây dựng mạng lưới nghiên cứu đa dạng sinh học gen tại đồng bằng sông Cửu Long do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ...