11:06, 16/06/2015

Khánh Sơn: Những bước tiến vượt bậc của ngành Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Sơn hiện có nhiều bước tiến vượt bậc; hệ thống trường lớp, quy mô giáo dục, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt có nhiều trường không còn học sinh bỏ học.

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Sơn hiện có nhiều bước tiến vượt bậc; hệ thống trường lớp, quy mô GD, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt có nhiều trường không còn học sinh (HS) bỏ học.


Khi mới tái lập huyện (năm 1985), Khánh Sơn chỉ có 8 trường học cho các bậc học từ mầm non đến THCS; có chưa đến 3.000 HS với những lớp học tranh tre nứa lá; tỷ lệ HS bỏ học có lúc lên đến 30%. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, hiện Khánh Sơn đã có 20 trường học từ mầm non đến THCS, 1 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1 trung tâm GD thường xuyên, 8 trung tâm học tập cộng đồng và 1 trường trung cấp nghề dân tộc nội trú. Tất cả các trường đều được xây dựng quy mô nhà 2 tầng khang trang, kiên cố, đảm bảo cảnh quan môi trường sư phạm; cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ngoài trường chính, huyện còn đầu tư mở 40 điểm trường tiểu học, mầm non tại những khu vực xa trung tâm, vùng lõm để đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Năm 2014, toàn huyện có 3 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.


Theo bà Trần Thị Ngọc Duyên - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn, hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành là 750 người, 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn là 50%. Các trường không còn tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp như những năm trước. Năm học 2014 - 2015, số HS toàn huyện gần 7.000 em (trong đó khoảng 5.000 HS người dân tộc thiểu số). Vài năm trở lại đây, tỷ lệ HS bỏ học chỉ còn dưới 1%. Năm học 2014 - 2015, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; gần 100% HS tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6. Ngoài ra, toàn huyện đã hoàn thành phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu phổ cập THPT. Tỷ lệ HS khá, giỏi tăng 2 - 3% mỗi năm; tỷ lệ HS yếu, kém giảm. Số HS tham gia các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh và huyện đạt giải ngày càng tăng. Đặc biệt, năm học vừa qua, HS của Khánh Sơn đã đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” toàn quốc. Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trường phổ thông dân tộc nội trú đã thực hiện bán trú cho HS. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc huy động HS ra lớp, hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nâng cao chất lượng học tập.


Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD Khánh Sơn còn chú trọng công tác xã hội hóa GD, huy động sự đóng góp của cộng đồng, hỗ trợ chế độ học bổng, dụng cụ học tập cho HS, trang thiết bị dạy học và phục vụ bán trú. Tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đều đã thành lập chi, tổ hội khuyến học, dòng họ khuyến học. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ngành GD Khánh Sơn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhiều HS chưa đi học đầy đủ 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá cao (28%); hầu hết các trường còn thiếu hệ thống phòng chức năng, các công trình phụ trợ; chất lượng GD đã được cải thiện nhưng chưa đồng đều.


Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành GD tích cực đổi mới phương pháp dạy học; chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt công tác vận động HS ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD, nhất là xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu trong giai đoạn 2015 - 2020 có thêm 3 - 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, nâng cao chất lượng GD miền núi, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới”.


Đinh Luận