Những năm qua, số lượng học viên đăng ký vào các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đạt thấp, có trường chỉ tuyển được vài học viên. Để tháo gỡ khó khăn, hiện nay, các ngành chức năng đang tìm hướng đi mới cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề.
Những năm qua, số lượng học viên đăng ký vào các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đạt thấp, có trường chỉ tuyển được vài học viên. Để tháo gỡ khó khăn, hiện nay, các ngành chức năng đang tìm hướng đi mới cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề (ĐTN).
Khó khăn trong tuyển sinh
Năm 2014, Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh đặt chỉ tiêu tuyển sinh ĐTN khoảng 1.000 học viên. Tuy nhiên, kết thúc năm, trường chỉ tuyển sinh đào tạo được 378 học viên. Theo lãnh đạo nhà trường, hàng năm, trường đều lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh tới các trường THCS, THPT trên địa bàn để tìm hiểu số học sinh (HS) có nhu cầu học nghề; đồng thời gửi thư mời phụ huynh, HS đến trường tham quan, tư vấn lợi ích trong học nghề. Sau khi có kết quả xét tuyển tốt nghiệp, cán bộ của trường đến từng xã, phường có HS không đậu tốt nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp, gửi thư mời các em vào học tại trường. Thế nhưng, số lượng HS vào học vẫn rất hạn chế.
Học nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa |
Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh cũng rơi vào tình trạng khó tuyển được người học nghề. Năm 2014, trường đặt chỉ tiêu tuyển sinh ĐTN hệ trung cấp 100 người, nhưng chỉ tuyển sinh được 21 học viên. Do số lượng người học ít nên nhiều máy móc hiện đại, có giá trị hàng trăm triệu đồng ở các xưởng thực hành của trường ít được sử dụng đến. Theo ông Thái Hữu Lục - Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm nào trường cũng chú trọng đầu tư cho công tác tuyển sinh. Thế nhưng, do cơ sở của trường quá chật hẹp, xuống cấp, lại không có ký túc xá nên nhiều HS không muốn vào học.
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp rất nhiều khó khăn, chỉ đạt được 50 đến 70% kế hoạch. Nguyên nhân là do công tác phân luồng HS chưa hợp lý, thiếu đồng bộ. Đa số phụ huynh HS luôn có tư duy bằng cấp, muốn con em mình học đại học. Học viên có nhu cầu học nghề phần lớn có học lực trung bình, yếu; khi vào trường nghề, các em vừa học nghề vừa học văn hóa nên có tâm lý ngại học. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị cho các trường nghề chưa kịp thời, nhiều máy thực hành không còn phù hợp với máy móc thực tế ở các doanh nghiệp. Các trường nghề chưa xây dựng được thương hiệu riêng của mình; chính sách hỗ trợ cho học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập...
Hy vọng hướng đi mới
Trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường nghề, hiện nay, ngành chức năng đã và đang tìm giải pháp để tháo gỡ. Ông Mai Xuân Trí cho biết, từ năm 2015 trở đi, các trường nghề căn cứ trên khả năng, thực lực của mình để đăng ký kế hoạch tuyển sinh đào tạo; từng bước thay đổi học và hành theo 2 cách: học tín chỉ và học theo phương pháp module (chương trình dạy học tương đối độc lập được cấu trúc đặc biệt phục vụ cho người học). Việc áp dụng cách này sẽ tạo thuận lợi cho người học được đào tạo những kiến thức trọng tâm mà doanh nghiệp đang cần và người học có thể vừa học vừa làm. Bên cạnh đó, sẽ giảm dần học văn hóa cho người đi học nghề, tiến tới bỏ việc học văn hóa trong các trường trung cấp nghề (trừ những học viên có nhu cầu học văn hóa để liên thông lên cao đẳng, đại học).
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện quyết liệt công tác phân luồng theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, HS nên lựa chọn cho mình hướng học tập phù hợp với năng lực, khả năng. Các trường nghề sẽ tuyển sinh liên tục trong năm, cứ đủ người, đủ lớp là khai giảng. Ngoài ra, từ ngày 1-7, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực sẽ không còn phân biệt bằng trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, 2 bằng này như nhau, đều có cùng hệ số lương. “Năm 2015, chúng tôi đặt chỉ tiêu tuyển sinh ĐTN cho hơn 24.000 người. Trong đó, cao đẳng nghề 1.500 người, còn lại là trung cấp và sơ cấp nghề. Với những giải pháp đó và khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, chúng tôi tin tưởng rằng các trường nghề sẽ tuyển được người học”, ông Trí nói.
VĂN GIANG