Bắt đầu từ giữa tháng 3, các đợt thực tập sư phạm được tổ chức tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP. Nha Trang...
Bắt đầu từ giữa tháng 3, các đợt thực tập sư phạm được tổ chức tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP. Nha Trang. Thông qua đợt thực tập này, các thầy cô giáo tương lai có cơ hội tiếp cận với thực tế giảng dạy và rèn luyện tay nghề. Từ những tiết dạy đầu tiên, nhiều giáo sinh là người dân tộc tiểu số (DTTS) cũng cảm thấy gắn bó hơn với nghề mình đã chọn và mong ước được trở về phục vụ quê hương.
Yêu những ánh mắt ngây thơ, dễ thương, các giáo sinh mong đến ngày được chính thức gắn bó với nghề mình đã chọn. |
Chuyện về những “kỹ sư tâm hồn”
“Vừa bước vào lớp, các em học sinh đứng bật dậy hô vang ‘Chúng em kính chào thầy!’, nhìn những ánh mắt trong veo ngây thơ, nụ cười ‘răng sún’ dễ thương, trong tôi như rạo rực một niềm hân hoan, háo hức, mong muốn sớm được trở thành người giáo viên tại chính quê hương của mình...”. Đó là lời tâm sự của sinh viên Y Yên dân tộc Êđê ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trong buổi thực tập tại Trường Tiểu học Tân Lập 1, TP. Nha Trang.
Y Yên là con duy nhất của gia đình, ba mẹ làm nông, cuộc sống rất khó khăn. Dù vậy,Y Yên vẫn được ba mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Y Yên kể: “Lúc còn học phổ thông, em không thích lắm nghề thầy giáo. Nhưng em có cô ruột đang dạy học tại một trường tiểu học trong xã Khánh Bình động viên em theo nghề này. Em nghĩ, người đồng bào như em chỉ cần biết cầm cái rìu, cái cuốc là được chứ không nghĩ mình sẽ trở thành thầy giáo đâu. Thế nhưng, được tiếp xúc với các em nhỏ trong những tiết dạy đầu tiên, em cảm thấy thích thú hơn với nghề”.
Sinh viên Dương Tấn Phi, dân tộc Chăm thực hiện tiết dạy âm nhạc tại Trường Trung học cơ sở Lý Thái Tổ, TP. Nha Trang. |
Còn đối với giáo sinh Cao Thị Đậm – cô gái Raglai hiện sống cùng người cha đã 72 tuổi tại thị trấn Khánh Vĩnh thì ước mơ được đứng trên bục giảng được nhen nhóm từ rất lâu và lớn dần theo năm tháng. Mẹ của Đậm mất sớm từ khi em còn đỏ hỏn.
Đậm chia sẻ: “Hồi nhỏ, em đã thích nghề giáo viên, nhìn thầy cô giáo người Kinh lên giảng dạy cho các em nhỏ đồng bào, em rất ngưỡng mộ. Có một lần ở lớp 6, vào buổi sinh hoạt lớp, cô giáo chủ nhiệm đột ngột hỏi: ‘Lớn lên, các em thích làm nghề gì?’. Cả lớp im phăng phắc. Cô gọi tên em, em đứng dậy nhanh nhảu trả lời: “Dạ, nghề giáo viên ạ”. Như chờ có vậy, cô dành cả thời gian sinh hoạt lớp để nói về nghề của mình, nghề dạy học, nghề mà cô còn gọi là “kỹ sư tâm hồn”. Và từ đó, hình ảnh “kỹ sư tâm hồn” như đọng mãi trong suy nghĩ của em. Bây giờ, được đi thực tập nghề, được giảng dạy, làm công tác chủ nhiệm...em càng thấy yêu nghề hơn”.
Mong ước được về phục vụ quê hương
Khánh Vĩnh là huyện miền núi có nhiều xã thuộc diện khó khăn, nhiều con em đồng bào đến tuổi đi học nhưng lại không có điều kiện cắp sách đến trường hoặc phải bỏ dỡ việc học để lên rẫy bẻ đót, hái măng… kiếm sống cùng ba mẹ. Chính điều này đã thôi thúc lớp trí thức trẻ như Đậm, Yên... mong muốn mang những kiến thức mình có được trở về xây dựng, phục vụ bản làng, giúp đỡ, động viên các em nhỏ nỗ lực học tập để có tương lai tươi sáng hơn.
Cao Thị Đậm chia sẻ, hơn ai hết, em biết được sự vất vả, khó nhọc của người đồng bào quê hương mình. Nguyện vọng của Đậm là được về quê hương dạy học, mở các lớp dạy đàn ngoại khóa, gầy dựng phong trào ca hát, vận động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học... “Cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc cho con được cắp sách đến trường. Ra trường, em sẽ về dạy ở Khánh Vĩnh. Với em, đây mới là nơi mà em cần đến. Em muốn đem kiến thức của mình về phục vụ quê hương…” - Đậm nói.
Với Y Yên, được đào tạo chính quy tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang, em cho rằng: “Được làm việc, dạy chữ tại nơi mình lớn lên là điều em vui và hãnh diện nhất. Hiện nay, cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập rèn luyện thể lực tại địa phương dành cho thanh thiếu niên còn nhiều hạn chế. Với chuyên môn được học, em sẽ cố gắng giúp cho học sinh đồng bào tập luyện thể dục, thể thao, nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao ở trường, địa phương”.
Cô Vũ Thị Thu Trang, giáo viên trường Tiểu học Tân Lập 1 cho biết: “Năm nay, giáo sinh về trường thực tập ở các chuyên ngành âm nhạc, giáo dục thể chất, tiếng Anh. Hầu hết các em chăm chỉ, chịu khó học hỏi, vững chuyên môn và có ý thức tốt trong nghề nghiệp, nhất là các sinh viên dân tộc ít người. Hy vọng, đây là đội ngũ kế cận sẽ phục vụ công tác tốt tại chính quê hương của họ”.
Lần đầu tiên được đứng lớp mang lại cho các giáo sinh những ấn tượng, cảm xúc khó phai. |
Trăn trở với chặng đường phía trước
Bên cạnh lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những thầy cô giáo tương lai còn những trăn trở, lo âu. Giáo sinh Dương Tấn Phi, người DT Chăm, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, tâm sự: “Nguyện vọng của em là được trở về giảng dạy tại quê nhà nhưng không biết ở đó còn nhu cầu tuyển dụng chuyên ngành của em không. Nhiều anh chị ngành sư phạm ra trường đã lâu vẫn chưa thể có được công việc ổn định, phải vất vả tìm việc và chấp nhận làm trái ngành nghề đào tạo...”
Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 426 học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc 12 DTTS theo học tại 34 trường ĐH, CĐ, trung cấp trong cả nước. Nhiều em đã nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Năm học 2013-2014, tỷ lệ HSSV đạt khá giỏi đạt hơn 23,7%, trong đó có 1 em xuất sắc, 3 em giỏi, 97 em khá.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện vẫn còn tình trạng nhiều SV người DTTS sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là ngành sư phạm, chưa có việc làm, gây lãng phí nguồn nhân lực, tác động không nhỏ đến công tác vận động giáo dục vùng cao. Điều này đặt ra vấn đề cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn ngành học, định hướng nghề nghiệp cho các HS phổ thông để HS có những lựa chọn nghề nghiệp, ngành học phù hợp hơn.
Như Thảo