40 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
40 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tỉnh Phú Khánh bước vào công cuộc xây dựng nền GD xã hội chủ nghĩa. Theo thống kê chưa đầy đủ, lúc này, toàn tỉnh có gần 80.000 người trong độ tuổi học tập và lao động chịu cảnh mù chữ, trong đó có gần 12.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, tỉnh đã thành lập những đội thanh niên xung phong tình nguyện lên miền núi, những vùng xa xôi, hẻo lánh để dạy bình dân học vụ. Nhiều người sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã tình nguyện ở lại tiếp tục sự nghiệp “trồng người”. Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn kêu gọi các giáo viên miền xuôi lên phục vụ ở vùng cao, hải đảo và các vùng hẻo lánh. Mỗi hè đến, hàng trăm đội ánh sáng văn hóa do giáo viên và học sinh tham gia đã không quản ngại gian khó, vất vả để dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, ngày 30-6-1977, toàn tỉnh đã được công nhận xóa nạn mù chữ và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Song song với phong trào xóa nạn mù chữ, tỉnh đã tập trung mở các lớp bổ túc văn hóa. Đến năm 1985, mỗi huyện đều có trường bổ túc văn hóa cấp 1, cấp 2. Ở các xã, phường cũng có những lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên ưu tú tham gia học tập để phục vụ công tác sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống các trường sư phạm, đủ cung ứng số lượng giáo viên cho các trường. Cũng từ năm học 1975 - 1976, lớp mẫu giáo được thành lập ở khắp các địa bàn để chăm sóc, giáo dục các cháu từ 3 đến 6 tuổi. Tỉnh còn có 2 trung tâm GD kỹ thuật tổng hợp, 11 trung tâm thực hành thí nghiệm và một số xưởng trường để GD lao động sản xuất và hướng nghiệp. Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Phú Khánh đã xây dựng được 4 ngành học: bổ túc văn hóa, phổ thông, mẫu giáo và sư phạm. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống trường chuyên dành cho các học sinh có năng khiếu về Văn, Toán, Vật lý của tỉnh và các huyện.
Tháng 7-1989, tỉnh Khánh Hòa tái lập. Đây cũng là giai đoạn thực hiện theo tinh thần đổi mới của Đảng. Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, hệ thống ngành học, cấp học trên địa bàn tỉnh được sắp xếp lại theo cơ cấu mới. Đối với ngành học mầm non, ngoài các nhà trẻ, trường mẫu giáo quốc lập, còn có các nhà trẻ, trường mẫu giáo dân lập. Loại hình trường phổ thông cơ sở vốn phổ biến trong một thời gian dài sau năm 1975 đã được tách riêng thành trường tiểu học, trường THCS. Nhằm đa dạng hóa trường học, nhiều trường bán công và dân lập cũng được mở. Trường Lê Quý Đôn đã có thay đổi lớn, chuyển từ trường dạy 2 cấp sang chỉ dạy cấp 3 với các lớp chuyên Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Văn, Anh văn. Từ năm 2001, nhiều trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, các trường cao đẳng, đại học lần lượt ra đời, mở rộng và phát triển.
Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay, quy mô GD trên địa bàn tỉnh đã phát triển hợp lý, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội. So với những năm trước, cơ sở vật chất ngành GD-ĐT tỉnh từng bước hiện đại, đồng bộ hơn, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp dạy và học. Chất lượng, hiệu quả GD toàn diện có chuyển biến tích cực, GD mũi nhọn khởi sắc, GD miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những chuyển biến nhất định, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Nhiều trường lọt vào tốp các trường THPT có chất lượng cao của cả nước như: chuyên Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi...
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh đang chú trọng nâng cao chất lượng GD trường chuyên, trường trọng điểm và GD dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2020, Khánh Hòa trở thành trung tâm lớn về GD-ĐT ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với mục tiêu đó, ngành GD-ĐT tỉnh đang tiếp tục chuyển mình để từng bước đưa nền GD hội nhập với quốc tế, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
T.V
Hiện nay, toàn tỉnh có: 183 trường mầm non, trong đó 85% trẻ được học tại các phòng học kiên cố; 333 trường từ cấp tiểu học đến THPT; 137 trung tâm học tập cộng đồng, 8 trung tâm GDTX cấp huyện, 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 10 cơ sở GD tham gia dạy chương trình GD thường xuyên cấp THPT; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GD THCS, trong đó có 30,7% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về xóa mù chữ. Tỉnh có 172 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: mầm non 44 trường, tiểu học 63 trường, THCS 57 trường và THPT 8 trường. Năm 2014, tỉnh xếp vị thứ 8/63 tỉnh, thành trên toàn quốc về kết quả thi đại học.