Trường Tiểu học Tân Lập 1 (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) hiện có 11 học sinh "tây" đang theo học. Để giúp các em hòa đồng và phát triển, nhà trường không có giáo án nào đặc biệt ngoài sự tận tâm của các giáo viên.
Trường Tiểu học Tân Lập 1 (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) hiện có 11 học sinh (HS) “tây” đang theo học. Để giúp các em hòa đồng và phát triển, nhà trường không có giáo án nào đặc biệt ngoài sự tận tâm của các giáo viên.
Cô Lê Thị Diễm hướng dẫn em Kevin điều chỉnh cách cầm bút. |
Phố biển Nha Trang ngày cuối tuần nắng vàng như rót mật. Trong phòng học nhỏ với hàng chục HS, tôi ấn tượng ngay với 1 em có đôi mắt xanh biếc, mái tóc nâu vàng dài ngang vai. Em là Leemann Trần Phương Lyn - có ba người Đức, mẹ người Việt. Em hiện đang theo học lớp 2 Trường Tiểu học Tân Lập 1. Cô Huỳnh Vĩnh Xuân Thảo, giáo viên chủ nhiệm của Lyn cho biết: “Ngày đầu gặp Lyn cách đây 2 năm, không chỉ tôi mà các em HS đều rất ngạc nhiên. Tuy Nha Trang là thành phố du lịch, tôi cũng như các em thấy trẻ “tây” mỗi ngày nhưng việc có một HS, một bạn “tây” trong lớp thì thật là thú vị và lạ lẫm”.
Lyn không phải là HS “tây” duy nhất đang theo học ở Trường Tiểu học Tân Lập 1. Hiện toàn trường có 11 HS có ba hoặc mẹ là người nước ngoài như: Đức, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc… Cô Trương Thị Thắm - giáo viên bộ môn của trường nhận xét: “Ấn tượng đối với các em HS ngoại quốc là sự tự tin, không áp lực về việc học; khả năng mỹ thuật, âm nhạc và tiếp thu bài của các em rất tốt. Khả năng tiếng Việt tuy không bằng các bạn đồng trang lứa nhưng các em rất hòa đồng, ngoan và thích chơi những trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam”.
2 năm theo học ở Trường Tiểu học Tân Lập 1, cô Thảo và Lyn đã phải nỗ lực không ngừng để em có thể đọc, nghe và viết tiếng Việt khá tốt như bây giờ. “Đó là cả một quá trình kiên trì và nhẫn nại. Để Lyn hoàn thiện khả năng tiếng Việt, ngoài giờ học, chúng tôi hướng dẫn em cách phát âm hoặc đọc chậm, đọc nhiều lần để em dễ hiểu. Ngoài ra, mỗi khi tiếp cận với phụ huynh, chúng tôi còn hướng dẫn gia đình chỉ dẫn em học thêm tiếng Việt khi ở nhà”- cô Thảo nói. Trong quá trình học tập, cũng có những tình huống khá hài hước khi Lyn lẫn lộn giữa tiếng Đức và tiếng Việt. Do không hiểu được câu hỏi để làm bài theo yêu cầu của cô giáo nên có những lúc cô hỏi một đằng trò trả lời một nẻo.
4 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thúy Nga (quốc tịch Đức) quyết định về Nha Trang định cư. Hai đứa con của chị là David và Kevin lúc ấy còn rất nhỏ và đã quen với nếp sống, ngôn ngữ Đức. “Ban đầu các cháu còn bỡ ngỡ, tiếp xúc với cô giáo, bạn bè rất khó khăn. Nhưng sau một thời gian được các cô dạy kèm, hai cháu phát âm, đánh vần tiếng Việt rất tốt”, chị Nga chia sẻ.
Khi tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi, Minegeshi Mitoe (HS lớp 3) cùng nhóm bạn nữ trong lớp kéo nhau ra sân trường vui chơi. Rụt rè khi thấy người lạ, nhưng Mitoe nhanh chóng nở nụ cười khi được bắt chuyện. Em là con của ông Minegishi Etsuo, một doanh nhân đến từ thành phố Fukushima, phía Đông nước Nhật. Với khả năng làm toán nổi trội và vẽ tranh khá tốt, Mitoe luôn được các bạn trong lớp nể phục và chơi đùa rất hòa đồng. Cầm bức tranh “mô tô phân khối lớn”, Mitoe khoe đây là tác phẩm vừa được em hoàn thiện chiều hôm trước và được cô giáo bộ môn đánh giá cao.
Theo Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tân Lập 1, để giảng dạy cho các em HS ngoại quốc, nhà trường không có giáo án nào đặc biệt ngoài sự tận tâm của các giáo viên. Khi giảng bài, các cô, thầy luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các em lên bảng nhiều hơn, giảng chậm hơn… để các em dễ hiểu.
Có thể nói, việc nhiều người nước ngoài đưa gia đình đến định cư, sinh sống tại Nha Trang đã và đang đặt ra nhu cầu học tập cho các em HS ngoại quốc. Và những ngôi trường như Trường Tiểu học Tân Lập 1 đang là nơi giúp các em hòa đồng và phát triển.
Thành Long