Việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho chấm điểm thường xuyên theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, để việc đánh giá đúng thực chất cũng như giảm gánh nặng cho giáo viên, các trường cần giảm bớt hồ sơ, sổ sách không cần thiết.
Việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng nhận xét thay cho chấm điểm thường xuyên theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, để việc đánh giá đúng thực chất cũng như giảm gánh nặng cho giáo viên (GV), các trường cần giảm bớt hồ sơ, sổ sách không cần thiết.
Đánh giá bằng nhận xét giảm áp lực về điểm số cho học sinh |
Kết quả bước đầu
Sau khi Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đổi mới cách đánh giá HS tiểu học được áp dụng (tháng 10-2014), Sở GD-ĐT đã tiến hành phổ biến, quán triệt tới cán bộ quản lý, GV, HS và tuyên truyền đến cha mẹ HS. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 31 lớp tập huấn Thông tư cho gần 5.900 cán bộ, GV. Sở cũng tổ chức các hội thảo, cuộc họp hướng dẫn việc sử dụng hồ sơ đánh giá HS cho cán bộ quản lý và GV. Các trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, dự giờ để hỗ trợ GV thực hiện đánh giá HS, trong đó tăng cường nhận xét bằng lời ngay trên lớp. Riêng 23 trường trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình trường học mới (VNEN) đã thực hiện đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét từ năm học trước nên gặp nhiều thuận lợi khi thực hiện Thông tư 30.
Ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Qua 1 học kỳ thực hiện Thông tư 30, chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ HS hoàn thành môn Toán, Tiếng Việt tăng so với trước. HS và phụ huynh cũng bớt áp lực hơn, không còn cảnh cha mẹ vừa đón con ở cổng trường đã hỏi con hôm nay được mấy điểm”. Cô Phạm Thị Thúy Vân, GV Trường Tiểu học Phước Long 2 (TP. Nha Trang) chia sẻ, thời gian đầu các GV không khỏi bỡ ngỡ vì chưa biết cách ghi nhận xét ra sao cho phù hợp. Sau 1 học kỳ thực hiện, GV đã quen dần, việc đánh giá bằng nhận xét trở nên nhẹ nhàng hơn, HS ít áp lực khi không còn so sánh điểm số với các bạn khác.
Giảm tải về hồ sơ, sổ sách
Nhiều GV chia sẻ, khó khăn nhất khi thực hiện Thông tư 30 là cách thức ghi nhận xét HS trong các loại hồ sơ, sổ sách. Nội dung nhận xét phải kịp thời, phù hợp với tâm lý và hoàn cảnh của từng em, không so sánh HS này với HS khác, làm cho các em có hứng thú học tập, đồng thời biết được những hạn chế của mình để khắc phục. Song một số GV còn lúng túng, nhận xét mang tính chung chung. Bên cạnh đó, có nhiều cuốn sổ có nội dung na ná nhau, khiến GV phải ghi một nhận xét nhiều lần. Cá biệt có GV liệt kê rất nhiều loại hồ sơ, sổ sách: ngoài giáo án, học bạ, sổ liên lạc, sổ theo dõi chất lượng GD, sổ dự giờ còn có cả nhật ký dạy và học, phiếu báo đồ dùng dạy học, kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, sổ bồi dưỡng HS có năng khiếu, sổ theo dõi hạnh kiểm...
Để giảm tải cho GV trong việc ghi nhận xét, Sở GD-ĐT đã tổ chức hướng dẫn GV cách ghi đối với từng loại hồ sơ. Theo đó, đối với sổ theo dõi chất lượng GD dành cho GV bộ môn, chỉ ghi những điểm nổi bật hay những điểm cần lưu ý để tuyên dương, phát triển năng khiếu hay giúp đỡ HS tiến bộ về kết quả học tập các môn học và hoạt động GD, kết quả rèn luyện năng lực, phẩm chất. Những HS chỉ thực hiện ở mức hoàn thành hoặc đạt thì GV có thể để trống. Đối với sổ theo dõi chất lượng GD dành cho GV chủ nhiệm, tháng thứ 6 ghi kết quả nhận xét của tháng 1 và 2, tháng thứ 5 và tháng thứ 10 tổng kết nhận xét thường xuyên về năng lực, phẩm chất cuối học kỳ 1 và cuối năm học, có sự tham gia ý kiến của GV bộ môn. Ông Hà Văn Thông nhấn mạnh, các trường cần quản lý chuyên môn bằng các hoạt động chuyên môn chứ không phải hoạt động hành chính. Nghĩa là tăng cường sinh hoạt chuyên môn, dự giờ..., giảm bớt các loại sổ sách không cần thiết để giảm tải cho GV. GV cũng cần vận dụng cách nhận xét linh hoạt, có thể nhận xét bằng lời nói ngay trên lớp, không cần ghi vào sổ.
Thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 30 ở các trường, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ GV thực hiện. Sở cũng sẽ tổ chức chuyên đề về đánh giá HS tiểu học, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong cách đánh giá HS. Đồng thời, có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tư vấn cho GV cách nhận xét bằng lời trên lớp học, ghi nhận xét vào hồ sơ đánh giá HS. Sở yêu cầu các Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường giảm bớt tối đa hồ sơ, sổ sách GV không cần thiết.
K.D