Sắp đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015, song nhiều thí sinh vẫn còn không ít băn khoăn…
Sắp đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, song nhiều thí sinh (TS) vẫn còn không ít băn khoăn…
Nhiều băn khoăn
Theo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định. Tuy nhiên, nhiều học sinh (HS) vẫn không khỏi lo lắng vì chưa rõ cấu trúc đề thi ra sao để có hướng ôn tập. Em Trần Thị Thủy, HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh) nói: “Đề thi tập trung vào chương trình lớp 12 nhưng em không biết có ra thêm câu hỏi trong chương trình lớp 10, lớp 11 hay không, nếu có thì chiếm bao nhiêu phần trăm tổng số điểm?”. Còn em Nguyễn Thị Trang, HS Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm) cho biết: “Em không biết cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh như thế nào nên đang lo. Có thông tin nói môn Tiếng Anh sẽ thi trắc nghiệm, lại có thông tin cho biết ngoài thi trắc nghiệm còn thêm phần tự luận. Chúng em mong Bộ GD-ĐT sớm đưa ra thông tin chính thức để có hướng ôn tập”.
Khác với mọi năm, năm nay sau khi có kết quả thi, TS mới đăng ký ngành học vào các trường ĐH, CĐ. Theo quy chế thi, mỗi TS sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Đợt đầu tiên, TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường với 4 nguyện vọng thuộc ngành/nhóm ngành của trường. Nếu trúng tuyển đợt 1 thì sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung. Nếu không trúng tuyển đợt 1, TS dùng cả 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại để đăng ký nguyện vọng bổ sung. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Trong các đợt xét tuyển, TS có quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác. Như vậy, có thể nói TS có nhiều cơ hội để vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, theo ông Trần Đắc Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa), nếu rút hồ sơ thì TS ở Khánh Hòa gặp khó khăn trong việc đi lại, bởi nhiều em đăng ký vào các trường ĐH, CĐ tại TP. Hồ Chí Minh.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tuy Bộ GD-ĐT không đưa ra cấu trúc đề thi nhưng nội dung vẫn tập trung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Đề thi sẽ có sự phân hóa ở nhiều cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Nội dung câu hỏi quan tâm đến năng lực vận dụng kiến thức của HS, gắn với thực tiễn đời sống, phát huy tính sáng tạo của HS; tránh lối học thuộc lòng.
Ông Mẫn cũng lưu ý, để tránh bất tiện cho TS ở xa cũng như không lãng phí các cơ hội trúng tuyển, trước tiên, TS cần xác định mình thích khối ngành nào và tùy vào sức học, điều kiện của bản thân cũng như của gia đình để đăng ký vào các trường phù hợp. TS có điểm thi cao có thể mạnh dạn đăng ký các trường ĐH tốp trên, điểm thi vừa phải thì lựa chọn các trường ĐH tốp dưới hoặc CĐ, CĐ nghề. Các em cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút chọn ngành, chọn trường và tìm hiểu kỹ nhu cầu lao động của địa phương để có việc làm sau khi ra trường.
K.D
Theo Sở GD-ĐT, dự kiến sẽ có khoảng 25.000 TS tham gia dự thi tại Khánh Hòa trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trong đó, có khoảng 12.000 TS của tỉnh, còn lại là TS đến từ các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận... Tỉnh sẽ có 2 cụm thi: Cụm thi dành cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở; cụm thi cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường tùy theo số lượng TS đăng ký. Hiện nay các trường đang tiến hành cho HS đăng ký thi để Sở nghiên cứu cách tổ chức cụm thi.