Nghị quyết 29-NQ/TƯ đặt ra vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó mục tiêu quan trọng là đội ngũ giáo viên. Đây là năm thứ hai Nghị quyết chính thức đi vào thực hiện ở các bậc học. Bộ GD - ĐT đã có những đổi mới trong nhiều nội dung ở các cấp học. Vai trò của người thầy tiếp tục được khẳng định như mục tiêu Nghị quyết đã đưa ra.
Nghị quyết 29-NQ/TƯ đặt ra vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó mục tiêu quan trọng là đội ngũ giáo viên. Đây là năm thứ hai Nghị quyết chính thức đi vào thực hiện ở các bậc học. Bộ GD - ĐT đã có những đổi mới trong nhiều nội dung ở các cấp học. Vai trò của người thầy tiếp tục được khẳng định như mục tiêu Nghị quyết đã đưa ra.
Phải thu hút được học trò
Trước những yêu cầu đổi mới giáo dục, một số giáo viên dạy giỏi chia sẻ, không thể cứng nhắc áp dụng ngay các phương pháp khi chưa hiểu rõ, mà phải linh hoạt trong cách giảng dạy. Điều quan trọng là phải thu hút được học trò vào giờ học, giúp học sinh hiểu bài giảng một cách tốt nhất. Để đạt được điều này, giáo viên phải là người sáng tạo giỏi.
Vừa đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vì thành tích có sáng kiến kinh nghiệm về “Một số biện pháp giúp trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi tham gia các trò chơi dân gian” tại Liên hoan giáo viên dạy giỏi toàn quốc, cô Phạm Thị Vân, Trường mầm non Hoa Lan, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Phải căn cứ vào tâm lý, độ tuổi của học sinh để đưa ra các bài học phù hợp, có như vậy mới đạt hiệu quả trong giảng dạy. Nhận thấy trẻ nhỏ bây giờ rất dễ bị thu hút bởi điện thoại, máy tính, ipad… và có những đứa trẻ có thể xem ti vi không mệt mỏi trong vài tiếng đồng hồ, tôi thấy giật mình vì như vậy sẽ giảm thị lực, khả năng vận động cả trí tuệ lẫn thân thể.
Trong khi đó, những trò chơi dân gian với tính giáo dục cao, phát huy khả năng vận động của trẻ thì đang bị mai một dần. Qua một năm làm đề tài và áp dụng tại trường, tôi thấy trẻ đã linh hoạt thêm, các em rất thích thú khi được tham gia vào trò chơi, được chơi theo nhóm, được hóa trang… Từ đó, tôi lồng ghép các nội dung giáo dục như học toán, vào các trò chơi dân gian. Khi vừa được chơi, vừa học, trẻ sẽ linh hoạt hơn nhiều”.
Cô Vân cũng cho biết thêm, trong quá trình chuẩn bị và thể nghiệm trên học sinh, cô đã nhận thấy những biến chuyển rất tốt từ học sinh. Các em luôn hào hứng khi được tham gia cùng nhau (phát huy hoạt động nhóm). “Với sáng kiến này, tôi tự tin tổ chức lớp học có tổ chức, điều này rất khó với trẻ ở độ tuổi mầm non”, cô Vân cho biết.
Cô Mai Thị Thắm, giáo viên Trường tiểu học An Lộc B, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước có vinh dự là người trẻ tuổi nhất được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong năm 2014, cho biết: “Trước những nội dung đổi mới, trách nhiệm của người giáo viên rất quan trọng. Trách nhiệm này quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới. Ban đầu, tôi cũng như đồng nghiệp gặp không ít khó khăn do vừa phải tìm hiểu tài liệu nghiên cứu, vừa phải bố trí thời gian để giúp học sinh tiếp cận với cái mới, trong khi tâm lý các em còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bằng sự chịu khó tự đọc, đồng thời trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên trong trường, liên trường, nhiều kinh nghiệm tốt đã xuất hiện”.
Cô Thắm dẫn chứng, cách đây 10 năm, phương pháp hoạt động nhóm còn rất mới mẻ. Để chuyển từ phương pháp chủ yếu thầy đọc, trò chép sang hoạt động tích cực này, cô đã phải mất thời gian khá lâu, phải trải qua ít nhất 7 tiết học học sinh mới làm quen được. Để làm chủ bài giảng của mình, cô Thắm phải chuẩn bị chu đáo, giao nhiệm vụ cho nhóm rõ ràng, theo dõi sát sao học sinh trong quá trình hoạt động, liên tục cho các em thay đổi nhóm để tạo sự linh hoạt. Điều đáng mừng là sau một thời gian, học trò đã tiến bộ rõ rệt.
Đổi mới từ khâu đào tạo giáo viên
Với những giáo viên vẫn theo phương pháp cũ, chưa theo kịp với sự thay đổi, phát triển của xã hội, ông Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, đào tạo giáo viên vẫn chưa đi đôi với đổi mới của xã hội. Các trường sư phạm phải thay đổi triết lý đào tạo giáo viên. Mô hình đào tạo giáo viên cần phải thay đổi, đặc biệt là hệ thống quản lý các trường sư phạm.
“Phải cập nhật thường xuyên những đổi mới của giáo dục trong nước, cũng như những công nghệ tiên tiến ở nước ngoài thì người giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Đây là điều khó với không ít giáo viên, nhưng là trách nhiệm. Nếu không sẽ đi theo lối mòn và rất khó bắt nhịp với những mục tiêu giáo dục mà Nghị quyết 29 nêu ra”, Nhà giáo ưu tú Lưu Xuân Giới, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Triều, Quảng Ninh khẳng định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Để tiến hành “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần phải đổi mới đào tạo giáo viên trong trường sư phạm. Theo Thứ trưởng, hiện nay chương trình đào tạo giáo viên vẫn còn nặng về kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm đúng mức đến rèn luyện trách nhiệm nhà giáo và năng lực sư phạm của giáo sinh. Thời lượng và điều kiện dành cho việc học và rèn các kĩ thuật, phương pháp và hình thức dạy học - giáo dục còn rất ít; trường sư phạm chưa chú trọng việc phát triển hệ thống các trường phổ thông thực hành, các cơ sở rèn luyện kĩ năng sư phạm.
Trong chương trình đào tạo, các trường sư phạm chưa quan tâm mục tiêu tích hợp vừa dạy kiến thức chuyên môn vừa đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh. “Cần phải khắc phục những hạn chế này và quan tâm hơn đến giáo dục lý tưởng, ý thức trách nhiệm công dân, lòng yêu nghề của người giáo viên ngay khi đang học tập và rèn luyện trong trường sư phạm; đồng thời trang bị thêm những kiến thức hiện đang còn thiếu cho sinh viên sư phạm về các lĩnh vực kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, giáo dục hòa nhập, tư vấn hướng nghiệp cho HS, phương pháp dạy học cho người lớn”, Thứ trưởng khẳng định.
Bộ GD - ĐT đã đẩy mạnh thực hiện “Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 - 2020”, với các nội dung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện chế độ chính sách cho giáo viên để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và phù hợp với những đặc điểm của nghề giáo, để giáo viên được làm việc một cách chân chính, tập trung tâm trí vào nhiệm vụ giáo dục, hạn chế những tiêu cực trong ngành; hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức quá trình dạy học - giáo dục.
Theo TTXVN