Nghề giáo là một trong những nghề cao quý, những người đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức là những "kỹ sư tâm hồn". Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin giới thiệu với bạn đọc 3 gương mặt nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Nghề giáo là một trong những nghề cao quý, những người đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức là những “kỹ sư tâm hồn”. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin giới thiệu với bạn đọc 3 gương mặt nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh Khánh Hòa.
. Thầy Nguyễn Quang Đường: Luôn giữ “lửa” nghề
Bắt đầu sự nghiệp giảng dạy với bộ môn Vật lý tại Trường THPT Phan Bội Châu, nhưng thầy Nguyễn Quang Đường (hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu) lại được biết đến nhiều hơn khi làm công tác quản lý ở Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh). Là người dám nghĩ dám làm, năm học 2006 - 2007, dù không nhận được nhiều sự đồng thuận từ đa số giáo viên (GV), thầy Đường vẫn quyết định lập hệ bổ túc trong nhà trường để những học sinh (HS) thi rớt lớp 10 tiếp tục theo học, nhằm hạn chế HS bỏ học. Câu trả lời cho sự quyết đoán đó là năm học 2008 - 2009, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của nhà trường đạt 72,22%, cao nhất tỉnh; năm học 2009 - 2010, tỷ lệ này lên đến 100% - một tỷ lệ mà nhiều trường, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên không dám nghĩ tới.
Ở cương vị quản lý, thầy mạnh dạn chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý chuyên môn như: kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm, nâng cao chất lượng sinh hoạt nhóm chuyên môn, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý điểm… 13 năm ở Trường THPT Ngô Gia Tự, với sự phấn đấu không mệt mỏi, thầy và tập thể nhà trường đã đưa chất lượng giáo dục của trường vươn lên các trường tốp đầu của tỉnh, là một trong tốp 200 trường THPT của cả nước có tỷ lệ HS đỗ đại học cao.
Tháng 8-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) điều động thầy Đường về làm hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu. Trong thời gian ngắn, dưới sự quản lý, điều hành của thầy, chất lượng dạy và học của trường được nâng lên rõ rệt. Năm học vừa qua, HS của trường đã đạt 29 giải HS giỏi cấp tỉnh; 9 GV được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh; nhà trường đạt giải 3 toàn đoàn trong đợt hội giảng GV dạy giỏi cấp tỉnh... Thầy Đường tâm sự: “Suốt mấy chục năm gắn bó với nghề giáo, tôi chưa bao giờ vơi nhiệt huyết với nghề. Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi luôn tự nhủ và nhắc nhở đồng nghiệp về chữ “tâm” trong nghề giáo”.
Dù bận rộn với công việc, thầy vẫn dành thời gian quan tâm đến những GV, HS có hoàn cảnh khó khăn. Khi mới về Trường THPT Phan Bội Châu, biết em Hoàng Quốc Dũng (hiện là HS lớp 11A10) sống một mình với 4 em nhỏ (cha bỏ đi từ nhỏ, mẹ mất vì ung thư), thầy Đường đã chỉ đạo miễn học phí cho em. Đồng thời, trường còn hỗ trợ em Dũng 1 triệu đồng/tháng để giúp em trang trải chi phí sinh hoạt, yên tâm học hành.
Với những thành tích trong công tác, năm 2013, thầy Đường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Và mới đây, thầy được Bộ GD-ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
. Cô Huỳnh Thị Mai: Dạy học không chỉ dạy kiến thức, mà còn dạy cách làm người
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn năm 1989, cô Huỳnh Thị Mai được phân công về dạy tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh). Với nhiệt huyết và sự tận tâm cô Mai đã khẳng định được năng lực của mình. Những lớp cô đảm nhận, nhiều HS đã giành được giải thưởng ở các kỳ thi cấp huyện. Năm 1993, cô về công tác tại Trường THCS Phan Chu Trinh (thị trấn Diên Khánh). Đến năm 1997, cô được chuyển về Trường THPT Hoàng Hoa Thám, giảng dạy lớp 12, trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi của trường… Nhiều HS được cô giảng dạy đã đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi Văn cấp tỉnh. Gần đây nhất, năm học 2013 - 2014, lớp học 12C1 do cô chủ nhiệm có 43 HS đậu đại học, đạt tỷ lệ 100%, trong đó 42 em đậu nguyện vọng 1. Có không ít học trò được cô dẫn dắt nay trở lại trường tiếp nối sự nghiệp trồng người.
Suốt 26 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, cô Mai đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình đứng lớp. Với cô, đức tính đáng quý nhất của người GV chính là dành những gì tốt đẹp nhất cho HS bằng cả tấm lòng. Gương mặt đôn hậu, luôn thân thiện, niềm nở với mọi người, ít ai biết cô từng trải qua không ít khó khăn. Vì điều kiện gia đình, cô phải ở nhờ bên ngoại. Năm 2011, khi chuẩn bị làm nhà riêng, chồng cô bất ngờ bị bệnh qua đời. Số tiền tích góp để xây nhà đã dùng cho việc chạy chữa, lo hậu sự cho chồng. “Mất đi chỗ dựa lớn nhất trong gia đình, tôi suy sụp hẳn, nhiều lúc chỉ muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ đến 2 con nhỏ, đến các em HS, tôi lại gắng gượng vượt qua…”, cô Mai chia sẻ. Điều mà các đồng nghiệp đánh giá cao ở cô Mai là không chỉ dạy cho HS kiến thức, mà cô còn dạy kỹ năng sống, cách làm người. Nhờ sự uốn nắn của cô, nhiều HS cá biệt đã cố gắng học tập, ngoan ngoãn hơn… Thầy Trần Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết: “Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cô Mai luôn năng nổ, nhiệt tình với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2010, cô Mai được Sở GD-ĐT công nhận là GV dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2013, cô được bình chọn là nhà giáo tiêu biểu của ngành GD giai đoạn 2008 - 2013”.
. Thầy Huỳnh Tấn Sỹ Bắc: Thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết
Trước những ngã rẽ cuộc đời, có lẽ ai cũng sẽ chọn cho mình con đường dễ dàng, ít khó khăn hơn. Nhưng với thầy Huỳnh Tấn Sỹ Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoa Lư (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) thì lại khác.
Năm 2000, cùng lúc nhận được giấy báo trúng tuyển 3 trường: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn và Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cậu học trò nghèo ở xã Xuân Sơn đã quyết định theo học sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang để thực hiện ước mơ làm thầy giáo. Tốt nghiệp ra trường, trong khi bạn bè chọn những ngôi trường ở thành phố, chí ít cũng là trung tâm huyện, thì thầy Bắc lại tình nguyện về dạy học ở quê nhà. Trong quá trình công tác ở Trường THCS Hoa Lư, thầy Bắc không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn luôn có ý thức xây dựng, giữ gìn khối đoàn kết nội bộ, phát huy vai trò của những nhân tố tích cực, góp phần xây dựng, phát triển nhà trường. Bên cạnh đó, thầy còn có những sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm được triển khai ứng dụng có hiệu quả trong trường, được Sở GD-ĐT đánh giá cao như: “Thực trạng và các biện pháp giúp HS vượt khó trong học tập”, “Biện pháp GD kỹ năng sống trong môn Địa lý”, “Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa lý”… Với những thành tích đạt được trong công tác, nhiều năm liền thầy Bắc được UBND tỉnh tặng bằng khen và tháng 11-2013, thầy được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Cô Phạm Thúy Loan (đồng nghiệp của thầy Bắc) chia sẻ: “Thầy Bắc gây ấn tượng với mọi người vì sự nhiệt tình, thân thiện của mình. Trong công việc, thầy là người nghiêm túc nhưng rất tình cảm, gần gũi với học trò”. Ngoài ra, điều mà đồng nghiệp và người dân xã Xuân Sơn quý mến ở thầy Bắc chính là cách sống hết mình vì người khác. Năm 2004, thấy hoàn cảnh gia đình thầy Bắc khó khăn, chính quyền xã Xuân Sơn đã đưa gia đình thầy vào danh sách xin hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa. Tự cảm thấy bản thân còn phấn đấu được, thầy đã xin rút khỏi danh sách, nhường suất hỗ trợ lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. đến cuối năm 2013, sau nhiều nỗ lực, thầy Bắc đã xây được căn nhà cho mình.
VĨNH THÀNH