09:09, 05/09/2014

Đầu tư công tác phổ cập giáo dục mầm non

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là một trong những địa phương đạt tỷ lệ 100% phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí của huyện cho công tác phổ cập.

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là một trong những địa phương đạt tỷ lệ 100% phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí của huyện cho công tác phổ cập.


Kết quả khá


Cam Lâm hiện có 4 trường MN, 11 trường mẫu giáo (MG), trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. So với các địa phương khác trong tỉnh, Cam Lâm có tốc độ xây dựng trường đạt chuẩn khá nhanh. Hiện nay, ngoài các trường đạt chuẩn, các phòng học của các trường còn lại đều được xây dựng theo hướng kiên cố; các lớp MN 5 tuổi đều có bộ thiết bị dạy học tối thiểu; có bộ phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, các trường đều có công trình nước sạch, bếp ăn, sân chơi, vườn cổ tích… Trong năm học 2013 - 2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Cam Lâm còn tham mưu UBND huyện xây mới 17 phòng học, 6 phòng chức năng, tăng số phòng học được xây mới lên 34 phòng và 13 phòng chức năng. Đến nay, công tác đầu tư cơ sở vật chất cho PCGDMN 5 tuổi và trường chuẩn quốc gia của huyện đạt gần 42 tỷ đồng.

 

 *Các bé Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Suối Cát) vui chơi ngoài trời.
Các bé Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Suối Cát) vui chơi ngoài trời.


Năm 2013, Cam Lâm được Sở GD-ĐT công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Cả 14 địa phương trong huyện đều đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp. 100% trẻ 5 tuổi của các xã, thị trấn hoàn thành chương trình GDMN. Đặc biệt, huyện có 107 trẻ dân tộc thiểu số được học tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi đều dưới ngưỡng quy định.


Đầu tư cho công tác phổ cập


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm cho biết, có được kết quả trên trước hết là nhờ Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi. Về phía ngành chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV). Bên cạnh bồi dưỡng thường xuyên, ngành còn tổ chức các chuyên đề vào 3 đợt sinh hoạt chuyên môn cụm; bố trí GV đạt chuẩn dạy lớp phổ cập 5 tuổi. Từ năm 2012, huyện đã cho chủ trương mở 1 lớp đại học MN tại chức trên địa bàn, tạo điều kiện cho gần 50 GV theo học. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tốt Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; nâng cao chất lượng chăm sóc, GD; phát huy hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng “Vườn cổ tích” và khu thể chất “Phát triển vận động của trẻ trong nhà trường”.

Đặc biệt, trong công tác khảo sát, điều tra trẻ, ngoài việc thực hiện theo mẫu và kinh phí của Đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi, huyện còn bố trí kinh phí để khảo sát, điều tra lại. Trong việc tập huấn công tác điều tra, các xã, thị trấn đã chọn một số GV là người địa phương để tiến hành rà soát lại, đối chiếu so sánh giữa các lần điều tra. Trong đó, lần 1 khảo sát đối chiếu số liệu, lần 2 điều tra giai đoạn bắt đầu đi học, lần 3 khảo sát từ thời điểm 0 tuổi trở đi. Tuy kinh phí đầu tư không nhiều nhưng cách làm này đã giúp huyện có được đầy đủ thông tin chính xác về trẻ từ 0 tuổi đến THCS, giúp theo dõi chính xác công tác phổ cập và huy động ra lớp, từ đó có kế hoạch vận động, điều chỉnh phù hợp, kịp thời trong từng năm học, từng học kỳ.


Ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, thời gian tới, bên cạnh duy trì kết quả phổ cập, ngành GD huyện tập trung chuẩn bị tốt về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ cho trẻ để trẻ em được tăng cường tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng trẻ vào lớp 1; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục MN; tỷ lệ chuyên cần của trẻ 5 tuổi đạt trên 95%. Bên cạnh đó, ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường tổ chức bán trú, xây dựng phòng học các điểm phụ… để phấn đấu có thêm 2 trường MN đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2014 - 2015.


TIỂU MAI