10:08, 28/08/2014

Sẵn sàng cho năm học mới

Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới 2014 - 2015. Bên cạnh niềm háo hức được gặp lại bạn bè, thầy cô, nhiều học sinh còn có thêm niềm vui mới là được học gần nhà, trong những ngôi trường mới xây.

Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới 2014 - 2015. Bên cạnh niềm háo hức được gặp lại bạn bè, thầy cô, nhiều học sinh (HS) còn có thêm niềm vui mới là được học gần nhà, trong những ngôi trường mới xây.


Thêm trường, thêm lớp


Những ngày này, thầy trò Trường THCS Cao Văn Bé (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) đang phấn khởi trang trí trường lớp để chuẩn bị cho ngày khai giảng sắp đến. Thành lập từ tháng 6-2014, Trường THCS Cao Văn Bé được huyện Khánh Vĩnh đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Trường có quy mô 6 phòng học, dãy phòng làm việc và phòng bộ môn. Ông Nguyễn Minh Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Văn Bé cho biết, năm học 2014 - 2015, toàn trường có 220 HS và 12 giáo viên (GV). 100% HS của trường là người dân tộc thiểu số. “Những năm học trước, HS cấp THCS của xã Khánh Phú phải học nhờ ở Trường THCS Thị trấn Khánh Vĩnh. Để đến trường, nhiều em phải đi bộ hơn 12 cây số; những em nhà ở thôn Sơn Thành còn đi xa hơn tới 18 cây số. Nay có ngôi trường mới khang trang, khoảng cách từ nhà đến trường đã gần hơn”, ông Hùng nói.


Ngồi trong lớp học mới, bàn ghế mới, em Cao Thị Lý - HS lớp 8/1 Trường THCS Cao Văn Bé phấn khởi nói: “Em vui lắm vì trường đã gần nhà. Mấy năm học trước chỉ có HS lớp 6, 7 được học gần nhà, còn HS lớp 8, 9 phải học ở Trường THCS Thị trấn Khánh Vĩnh rất xa”. Ngoài Trường THCS Cao Văn Bé, ngành GD huyện Khánh Vĩnh còn xây dựng thêm 20 phòng học, 3 phòng chức năng, 4 phòng bộ môn, 5 bếp ăn... với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng từ nguồn vốn của huyện và của tỉnh.  

 

Cổng trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (huyện Diên Khánh) đang được gấp rút hoàn thành để đón học sinh khai giảng năm học mới.  Ảnh: NHÂN TÂM 
Cổng trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (huyện Diên Khánh) đang được gấp rút hoàn thành để đón học sinh khai giảng năm học mới.


Tiếp tục chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, hạn chế tình trạng HS bỏ học ở huyện Khánh Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đầu tư xây dựng 5 bếp ăn, 2 nhà ăn và 2 phòng học cho 5 trường tiểu học trên địa bàn để phục vụ công tác bán trú và học 2 buổi/ngày; xây dựng thêm 4 phòng học cho Trường THCS Ba Cụm Nam; 2 phòng chức năng cho Trường Mầm non Họa Mi với kinh phí 14 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện Khánh Sơn còn đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng khu nhà chức năng cho Trường THCS Thành Sơn; xây mới 4 phòng học và 200m2 nhà đa năng cho Trường Mầm non Vành Khuyên với kinh phí 5,2 tỷ đồng từ nguồn vốn phổ cập mầm non 5 tuổi; nâng cấp, sửa chữa 36 phòng học, 2 khu nhà làm việc, bếp ăn cho 5 trường tiểu học và mầm non với kinh phí 4 tỷ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết.


Tại thị xã Ninh Hòa, để phục vụ năm học 2014 - 2015, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây thêm 24 phòng học, 1 nhà văn phòng, 8 nhà bếp, 3 thư viện, 5 phòng chức năng cho các trường trên địa bàn. Còn tại TP. Cam Ranh, ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng GD-ĐT cho biết, ngoài cơ sở vật chất hiện có, ngành cũng vừa nghiệm thu đưa vào sử dụng thêm 22 phòng học và 5 phòng chức năng với kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Hiện nay, còn một số hạng mục đang thi công như: tu sửa 3 phòng học ở Trường Mầm non Trường Sa, xây dựng bếp ăn một chiều ở Trường Mẫu giáo Cam Bình, nâng cấp nhà hành chính ở Trường THCS Nguyễn Khuyến, xây dựng nhà vệ sinh ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi... với kinh phí hơn 2 tỷ đồng để các trường có thể đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2014 - 2015.


Với việc xây mới thêm trường, lớp, phòng chức năng, nhà đa năng, nhà công vụ, bếp ăn bán trú... để phục vụ cho năm học mới trong điều kiện tình hình kinh tế, thu ngân sách còn nhiều khó khăn, có thể thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, địa phương đối với công tác dạy và học. Theo báo cáo kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới 2014 - 2015 của Sở GD-ĐT, đến thời điểm này, tuy còn nhiều công trình đang trong giai đoạn thi công nhưng các địa phương, các trường đều đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ năm học 2014 - 2015.


Tuyển dụng 507 giáo viên

 

Để chuẩn bị cho năm học mới 2014 - 2015, ngành GD-ĐT Khánh Hòa đã đầu tư hơn 121 tỷ đồng cho công tác xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học và thực hiện các đề án học 2 buổi/ngày cho HS tiểu học và phổ cập cho trẻ em 5 tuổi.   

Bên cạnh cơ sở vật chất, trong 3 tháng hè, hầu hết các địa phương đều đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch vị trí việc làm cho năm học 2014 - 2015; đã và đang điều động, thuyên chuyển GV cũng như tiến hành công tác bổ nhiệm mới cán bộ quản lý ở các trường. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8 vẫn chưa có hướng dẫn chung của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT về phương án, quy trình, thủ tục tuyển dụng viên chức năm học 2014 - 2015 nên ngành GD-ĐT ở các địa phương đều thiếu GV giảng dạy theo kế hoạch năm học. Theo ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh, tính đến thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng GV trong toàn huyện là 53 chỉ tiêu. Trong đó, mầm non 32 chỉ tiêu, tiểu học 8 và THCS 13. Để linh động, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành phân công GV và hợp đồng GV (đối với những đơn vị thiếu nhiều GV) có trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng công tác giảng dạy trong năm học mới.


Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tháng 7-2014, UBND tỉnh đã thẩm định Đề án và kế hoạch số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp GD công lập năm học 2014 - 2015 cho ngành GD-ĐT là 18.244 người, không tính nhân viên bảo vệ, phục vụ hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Qua số liệu tổng hợp đội ngũ GV, năm học 2014 - 2015, nhu cầu tuyển dụng GV ở tất cả các cấp học là 507 người. Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 2118 ngày 15-8-2014 quy định về việc tuyển dụng viên chức GD-ĐT. Kế hoạch triển khai và tổ chức tuyển dụng được thực hiện thống nhất về hình thức, nội dung tuyển dụng, thời gian tuyển dụng trên phạm vi toàn tỉnh và đảm bảo hoàn thành trước ngày 15-10.


THU HIỀN