Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở là một chủ trương lớn được triển khai thực hiện từ năm 1996. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đi học nghề vẫn còn thấp…
Phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS là một chủ trương lớn được triển khai thực hiện từ năm 1996. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đi học nghề vẫn còn thấp…
Hiệu quả thấp
Việc phân luồng HS đã được chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII). Năm 2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TW, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 15% HS sau tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề (TCN), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), đến năm 2020 con số này là 30%. Tuy nhiên đến nay, công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vẫn còn bế tắc khi số lượng HS tốt nghiệp THCS đi học nghề khá thấp. Tại Hội thảo nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy về công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS (tổ chức tại TP. Nha Trang), Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), dạy nghề của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, từ năm 2010 đến 2012, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT và bổ túc THPT chiếm hơn 78%; số lượng HS theo học các trường TCN, TCCN chưa đến 10% (tỷ lệ vào trường TCCN khoảng 2%).
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề vẫn còn thấp. |
Ở Khánh Hòa, những năm gần đây, việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đã được chú trọng hơn. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chúng tôi đã mời 137 chủ tịch UBND cấp xã cùng toàn bộ hiệu trưởng các trường THCS trong toàn tỉnh đến dự hội nghị triển khai các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về vấn đề phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, ngành còn mời các trường nghề trên địa bàn tỉnh về tận các địa phương để tuyên truyền, hướng nghiệp cho HS”. Hàng năm, các trường THPT trên địa bàn tỉnh chỉ tuyển sinh khoảng 74 - 75% HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10, khoảng 25 - 26% số HS còn lại là cơ hội cho các trường nghề. Tuy nhiên đến nay, việc phân luồng HS vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cụ thể, theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm 2012, toàn tỉnh có 2.162 HS vào TCN, chiếm 12,3% tổng số HS tốt nghiệp THCS; năm 2013, số HS đi học TCN là 1.450 em, chiếm 10% tổng số HS tốt nghiệp THCS. Tuy tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đi học nghề trên địa bàn tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra tại Chỉ thị 10-CT/TW.
Việc có quá nhiều HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, rồi thi vào các trường đại học, cao đẳng đã dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, năm 1979, tỷ lệ giữa đại học, TCCN và công nhân kỹ thuật (CNKT) là 1 kỹ sư/2,25 TCCN/7,1CNKT; còn năm 2012 là 1 kỹ sư/0,43 TCCN/0,56 CNKT. Trong khi các doanh nghiệp không tuyển đủ số lượng CNKT thì nguồn nhân lực có trình độ đại học lại quá thừa. Theo số liệu điều tra lao động và việc làm của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2013 có 72.000 người có trình độ đại học, thạc sĩ thất nghiệp. Nếu tính cả số người tốt nghiệp đại học làm việc không đúng trình độ đào tạo thì con số này còn cao hơn nhiều...
Cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội
Theo ông Lê Tuấn Tứ, công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS của cả nước nói chung và của Khánh Hòa chưa đạt kết quả cao là do xã hội chưa đồng thuận, tâm lý khoa cử vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Phần lớn phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng với việc cho con em mình nghỉ học phổ thông ở độ tuổi 15 - 16 để rẽ sang học nghề, mà muốn cho con em mình học hết bậc phổ thông rồi tiếp tục học lên cao đẳng, đại học. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho HS chưa được chuyên môn hóa. Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho HS tốt nghiệp THCS đi học nghề còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa thực sự đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu; hạn chế trong việc thiết lập mối quan hệ với đơn vị sử dụng lao động; đào tạo theo thị hiếu chứ chưa chú trọng đến nhu cầu lao động xã hội nên người học ra trường khó tìm việc. Vì vậy, HS không mặn mà với việc học nghề mà cố gắng theo học THPT, nếu có nghỉ học cũng tham gia ngay vào thị trường lao động.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, muốn công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS có hiệu quả, không chỉ trông chờ vào nỗ lực của ngành GD-ĐT, mà cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng HS. Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn đối với người học, người dạy và người sử dụng lao động nhằm tạo động lực thu hút HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Còn Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu của địa phương và cả nước, làm cho việc đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội. Đối với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn hạn chế, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp.
XUÂN THÀNH