Mái ấm Hy Vọng nằm khuất trong một con hẻm yên tĩnh ở tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm. Nơi đây hiện đang nuôi dưỡng 29 em nhỏ khuyết tật.
Mái ấm Hy Vọng nằm khuất trong một con hẻm yên tĩnh ở tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm. Nơi đây hiện đang nuôi dưỡng 29 em nhỏ khuyết tật.
Mái nhà nhỏ nuôi trẻ thiệt thòi
Mái ấm Hy Vọng được khởi công xây dựng cuối năm 2004 với sự giúp đỡ của ông Peter Le (Mỹ) và Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang nhằm nuôi dạy các cháu bị khuyết tật thần kinh như down, động kinh, tự kỷ, câm điếc... Khởi đầu chỉ có vài cháu, sau 5 năm, Mái ấm Hy Vọng đã có hơn 50 cháu được nuôi dưỡng. Hiện nay, mái ấm còn 29 cháu, chủ yếu là con các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, một số bị cha mẹ bỏ bê, hoặc mồ côi. Những cháu có tiến bộ và quá tuổi quy định đã trở về với gia đình.
Bên góc hành lang hanh hao nắng, xơ Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Mái ấm Hy Vọng chỉ các em nhỏ đang chơi đùa ngoài sân, cho biết, mỗi em là một số phận đáng thương. Nguyễn Ngọc Lam (sinh năm 2007) sinh ra trong một gia đình có 11 anh chị em thì cả 11 người đều bị bệnh. Em khá còi vì bị ảnh hưởng não. Nguyễn Kiến Hùng (sinh năm 2006), vào đây năm 4 tuổi, lúc đó đã chết lâm sàng trong bệnh viện. Trịnh Mai Hương vào mái ấm từ năm 2 tuổi nhưng bị bại não nên giờ hơn 4 tuổi vẫn chưa biết nói. Lại có trường hợp cả 2 anh em khuyết tật cùng sống tại đây như Vũ Đông Thiên (sinh năm 1998) và Vũ Thị Tú Duyên (sinh năm 2003). Trường hợp em Nguyễn Tuấn Kiệt cũng đáng thương, hồi mang thai em, mẹ đã định tự tử do tủi phận, cũng may xơ đã cứu kịp.
Giờ chơi của các em tại Mái ấm Hy Vọng. |
Nói chuyện hiện tại, mắt xơ lấp lánh niềm vui: “Giờ một số em tiến bộ rồi. Nguyễn Thị Thanh Bình (sinh năm 1992) học 3 năm, giờ đã làm được việc nhà. Lương Thị Ngọc Loan (sinh năm 1990), tưởng không hồi phục được não, giờ đã được về nhà cạo hột điều, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà. Em Thoa đã đọc chữ thành thạo, ở nhà nấu ăn, trông coi nhà cửa. Em Ngọc đã biết giúp đỡ gia đình đi lưới bắt cá ban đêm...”. Chơi với các em, tôi nhận thấy tất cả đều vui vẻ, hòa nhập, lễ phép, nhiều em còn biết đọc, biết viết; đặc biệt, các em rất quan tâm đến nhau, thương các xơ và quấn quít với khách.
Để có kinh phí nuôi dạy trẻ, Mai ấm Hy Vọng đã nhận được sự ủng hộ của một số cá nhân, tập thể, Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang và một số gia đình các em, nhưng chủ yếu là nhờ vào sự lao động của các xơ như: trồng bạch đàn, trồng mì (500m2), xoài (hơn 7.000m2), nuôi gà...
Ươm hy vọng
Tuy xơ Hương đã tốt nghiệp cử nhân xã hội học, các xơ khác cũng được học cách dạy trẻ khuyết tật, nhưng chỉ 6 xơ, nuôi 29 trẻ, đảm trách việc của cả người cha và người mẹ thật không đơn giản. Sáng sớm, các xơ đã tất bật lau nhà, dọn vệ sinh cho những em tiểu tiện ra chiếu hay phóng uế ra phòng; rồi quần quật cuốc đất, tưới cây trên rẫy. Bữa ăn của các xơ chẳng khi nào trọn vẹn vì em này la hét, em kia muốn đi vệ sinh, có em lại lăn ra bất tỉnh vì một tiếng động nhỏ, em thì ăn liên tục không biết no... Ấy là chưa kể các xơ còn làm các công việc nhà thờ và chữa bệnh, cứu trợ trong vùng. Dù vậy, các xơ vẫn dịu hiền, nhẫn nại, biết rõ em này bị bệnh gì, tính cách thế nào, ăn ngủ ra sao. Khách tới chơi luôn thấy nhà sạch sẽ, các em quần áo thơm tho, nhưng ở lâu mới thấy, mỗi ngày trôi qua ở đây là câu chuyện dài...
Bà Hồ Thị Thủy - Phó phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Cam lâm: Trên địa bàn huyện, ngoài Mái ấm Hy Vọng, còn 2 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập là Hơi ấm Thừa Sai (nuôi dưỡng 25 trẻ) và mái ấm chùa Thanh Sơn (67 em). Vừa qua, Mái ấm Hy Vọng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen vì đã có nhiều đóng góp trong hoạt động nuôi dạy trẻ khuyết tật. |
Vây quanh tôi, nhiều em nhỏ cố gắng uốn miệng để nói ra ao ước của mình bằng giọng ngọng nghịu: Nguyễn Kiến Hùng mơ ước lớn lên làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người; Lương Thị Ngọc Loan thì thích đan len; Võ Văn Phú chỉ mong sau này có thể mở tiệm sửa xe đạp để tự nuôi sống bản thân. Còn Nguyễn Thị Mỹ Hường, cô bé sinh năm 1996, luôn nhận mình tên Ngọc Thảo, hồn nhiên: “Con có 2 ước mơ. Một là lớn lên thành diễn viên múa để dạy các em biết hát, múa. Hai là ước có công ty nào đó nhận con vào làm để con có tiền nuôi các em khuyết tật”.
Rời Mái ấm Hy Vọng, tôi vẫn vấn vương lời của xơ Hương: “Khổ nhất là bị cúp điện. Giá mà có chiếc máy nổ để khi mất điện bơm được nước lên nhà vệ sinh cho các con là vui rồi”. Mong sao, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm đến với nơi đây, để Mái ấm Hy Vọng mãi là ngôi nhà nuôi dưỡng hy vọng, ước mơ của các em.
TIỂU MAI