Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng trường phổ thông công lập chất lượng cao tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, sẽ có 19 trường được chọn xây dựng thí điểm với mục tiêu ban đầu là cuối năm học 2014 - 2015, có 80% học sinh giỏi và 20% học sinh khá.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng trường phổ thông công lập chất lượng cao tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, sẽ có 19 trường được chọn xây dựng thí điểm với mục tiêu ban đầu là cuối năm học 2014 - 2015, có 80% học sinh (HS) giỏi và 20% HS khá.
Đầu tư về mọi mặt
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, từ nay đến đầu năm học 2014 - 2015, mỗi địa phương (trừ 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) sẽ đầu tư xây dựng thí điểm 3 trường phổ thông chất lượng cao ở các cấp học. Trong đó, TP. Nha Trang chọn các trường: Tiểu học Lộc Thọ, Tiểu học Phước Tiến, THCS Thái Nguyên và THPT Lý Tự Trọng làm thí điểm. TP. Cam Ranh chọn Trường Tiểu học Cam Lộc 2, Trường THCS Lê Hồng Phong, Trường THPT Phan Bội Châu. Thị xã Ninh Hòa chọn Trường Tiểu học số 2 Ninh Hiệp, Trường THCS Hùng Vương, Trường THPT Nguyễn Trãi. Huyện Diên Khánh chọn Trường Tiểu học số 1 Diên Khánh, Trường THCS Phan Chu Trinh, Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Huyện Cam Lâm chọn Trường Tiểu học Cam Đức 1, Trường THCS Hùng Vương, Trường THPT Trần Bình Trọng. Huyện Vạn Ninh chọn Trường Tiểu học số 1 Vạn Giã, Trường THCS Văn Lang, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Những trường học trên sẽ được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, có đủ điều kiện tổ chức học tập 2 buổi/ngày, sĩ số HS/lớp chỉ từ 30 đến 35 HS. Bên cạnh đó, các trường cũng được đầu tư thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu học tập, thực hành của HS; có thư viện đạt chuẩn, có phòng nhạc - họa, bãi tập, sân chơi đúng quy định để HS rèn luyện và phát triển năng khiếu. Ngoài giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các trường cũng sẽ có hội đồng chuyên môn, biên soạn nội dung dạy học, bồi dưỡng buổi thứ 2 sát hợp với đối tượng HS và điều kiện dạy học của nhà trường. Cán bộ quản lý và giáo viên (GV) dạy những trường, lớp phổ thông chất lượng cao được hưởng một số chế độ đãi ngộ như: giảm tiết tiêu chuẩn, tăng phụ cấp đứng lớp, thưởng khi có HS xuất sắc... theo quy định của tỉnh.
Trường Tiểu học Phước Tiến được chọn thí điểm xây dựng trường chất lượng cao. |
Dự thảo Đề án nêu rõ, giai đoạn 2014 - 2015 phải cơ bản hoàn thành bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý và GV cho 19 trường được chọn xây dựng thí điểm với mục tiêu: Cuối năm học 2014 - 2015, có 100% HS các lớp chất lượng cao được xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên; về học lực, có 80% HS xếp loại giỏi và 20% HS xếp loại khá. Đến giai đoạn 2016 - 2020, các trường tiểu học chất lượng cao được tổ chức bán trú 100%; tổ chức dạy tăng cường môn Ngoại ngữ và Tin học ít nhất 2 tiết/tuần/môn; cuối mỗi năm học có ít nhất 90% HS xếp loại giáo dục khá, giỏi. Các trường THCS chất lượng cao dạy học 2 buổi/ngày hoặc trên 6 buổi/tuần; dạy tăng cường môn Ngoại ngữ và Tin học ít nhất 2 tiết/tuần/môn; trong mỗi năm học có 90% HS xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên, 80% HS được xếp loại học lực khá, giỏi; có từ 8 đến 10% HS lớp 9 trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Các trường THPT chất lượng cao dạy học 2 buổi/ngày hoặc trên 6 buổi/tuần; dạy tăng cường môn Ngoại ngữ và Tin học ít nhất 3 tiết/tuần/môn; trong mỗi năm học có 90% HS xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên, 80% HS được xếp loại học lực khá, giỏi; có HS đạt giải HS giỏi quốc gia; có từ 65 đến 80% HS lớp 12 thi đỗ đại học và từ 1 đến 2 thủ khoa khối hoặc trường đại học.
Tạo môi trường học tập tốt
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kết thúc năm học 2012 - 2013, kết quả xếp loại giáo dục của HS tiểu học toàn tỉnh là 55,6% HS giỏi, 26,6% HS khá; cấp THCS: 24% HS giỏi, hơn 36% HS khá; cấp THPT: 4% HS giỏi, gần 34% HS khá. |
Để đạt mục tiêu trên, theo Sở GD-ĐT, nguồn đầu vào các trường phổ thông chất lượng cao được tuyển chọn từ số HS giỏi trong cấp học trên địa bàn bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét tuyển do UBND tỉnh quy định hàng năm. Đội ngũ cán bộ quản lý và GV phải đạt trình độ trên chuẩn. Trong giai đoạn 1, từ nay đến hết năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trước mắt, tập trung chỉ đạo các trường được chọn thí điểm xây dựng Đề án trường phổ thông công lập chất lượng cao, xây dựng kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tuyển chọn cán bộ quản lý, GV, dự kiến số lớp chất lượng cao từng cấp học, tổ chức dạy học các lớp thí điểm chất lượng cao... Từ các lớp thí điểm mới triển khai giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến 2020) là xây dựng thành hệ thống trường chất lượng cao.
Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư ban đầu cho các trường xây dựng thí điểm hơn 39 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 11,5 tỷ đồng; vốn từ Đề án ngoại ngữ 11,8 tỷ đồng; xã hội hóa 15,9 tỷ đồng.
Ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều GV, phụ huynh HS và cán bộ quản lý giáo dục phấn khởi với Đề án xây dựng trường phổ thông công lập chất lượng cao. Họ cho rằng, đây là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề giáo dục mũi nhọn hiện nay. Các trường phổ thông công lập chất lượng cao sẽ trở thành môi trường học tập tốt cho số lượng lớn HS giỏi các cấp trong toàn tỉnh; là nguồn đầu vào đáng tin cậy cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài của địa phương. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hệ thống trường công lập chất lượng cao, đặc biệt ở cấp THPT sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu giáo dục giữa các trường, khắc phục dần những hạn chế, nhược điểm khi cả tỉnh chỉ có một trường chuyên như hiện nay. Khi đó, với một nguồn lực dồi dào, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ.
LÊ NGUYÊN