09:02, 26/02/2014

Cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số: Nhiều khó khăn, ít hiệu quả!

Sau 4 năm gián đoạn, công tác cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện lại. Năm 2013, toàn tỉnh có 11 sinh viên nhập học các trường đại học bằng phương thức này. Kết quả đó tuy đáng quý nhưng khá khiêm tốn…

Sau 4 năm gián đoạn, công tác cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện lại. Năm 2013, toàn tỉnh có 11 sinh viên (SV) nhập học các trường đại học (ĐH) bằng phương thức này. Kết quả đó tuy đáng quý nhưng khá khiêm tốn…


Chỉ mới đạt 18% chỉ tiêu được giao


Theo đề nghị của UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký với Bộ GD-ĐT phân bổ 61 chỉ tiêu cử tuyển học sinh DTTS đi học các trường ĐH và sớm được Bộ chấp thuận. Tổng cộng có 17 ngành đào tạo gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, cần thiết cho sự phát triển nguồn nhân lực của các địa phương miền núi như: y tế, sư phạm, luật, kinh tế, nông nghiệp, quản lý đất đai, bảo vệ thực vật, văn hóa, thông tin...  


Tuy vậy, khi triển khai ở các địa phương, chỉ có 51 hồ sơ đăng ký dự tuyển (Khánh Sơn 28, Khánh Vĩnh 20 và Cam Lâm 3). Chiếm số lượng lớn nhất là ngành y tế (30 hồ sơ), tiếp theo là sư phạm (8), nông nghiệp (3). Trong khi đó các ngành đào tạo về lĩnh vực văn hóa, thông tin không có hồ sơ nào dự tuyển. Điều đáng nói, trong số 51 hồ sơ này có đến 35 trường hợp là người Kinh, chiếm 68,62%, vượt xa quy định của Nghị định 134 về chế độ cử tuyển là không quá 15%.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Qua 2 lần họp xét duyệt tại UBND tỉnh, 11 hồ sơ dự tuyển được chọn (Khánh Sơn: 5, Khánh Vĩnh: 4, Cam Lâm: 2). Con số này chỉ mới đạt 18% so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ cho các trường ĐH, có 2 trường hợp bị từ chối vì đối tượng cử tuyển có hộ khẩu thường trú ở khu vực I, lại không thuộc trường hợp ở “các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các DTTS chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, cao đẳng, trung cấp” như Nghị định 134 quy định. Sở GD-ĐT phải nhờ Bộ can thiệp và kiên trì thuyết phục các trường ĐH chấp thuận nên đến tháng 11-2013, các SV này mới được nhập học.


Nhiều sinh viên đuối sức


Khi được hỏi về kết quả học tập, rèn luyện của SV DTTS ở các trường ĐH, các cán bộ - chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở GD-ĐT bày tỏ sự lo ngại về chất lượng học tập. Tuy có phần khá hơn các năm trước nhưng năm nay cũng chỉ mới có 5,7% SV DTTS được xếp loại khá, giỏi và chủ yếu thuộc về các trường hợp đi học tự túc. Nhiều SV DTTS thuộc diện cử tuyển khá khó khăn, chật vật khi theo học các trường ĐH, nhất là các trường tốp trên như Y dược, Bách khoa, Sư phạm... Nhiều em đuối sức, nợ tín chỉ triền miên, không ít SV phải bỏ học nửa chừng. Điển hình như SV B.Y.M ở huyện Khánh Vĩnh, được cử tuyển đi học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng từ năm học 2007 - 2008. Đến nay, sau 6 năm học - nghĩa là đã qua thời điểm tốt nghiệp ra trường của phần lớn SV cùng lớp, em B.Y.M chỉ mới hoàn thành 67/190 tín chỉ, đạt 35,3%. M. đã làm đơn xin nghỉ học vì không đủ sức theo đuổi, đồng thời xin UBND tỉnh chiếu cố không phải bồi hoàn các khoản chi phí trong quá trình học tập.


Cần chuẩn bị chu đáo hơn


Cử tuyển học sinh DTTS đi học ĐH là một chủ trương đúng đắn và đầy tính nhân văn của Nhà nước. Tuy vậy, việc triển khai chủ trương này lâu nay đã bộc lộ không ít mặt bất cập, hạn chế dẫn đến chất lượng, hiệu quả thấp không phải là điều bất ngờ.


Khi trao đổi về vấn đề này, nhiều cán bộ, chuyên viên của Sở GD-ĐT cho rằng phải có kế hoạch dài hơi hơn đối với công tác cử tuyển học sinh DTTS. Việc lựa chọn học sinh và đưa vào nguồn cử tuyển phải bắt đầu từ cấp trung học cơ sở. Điều này rất thuận lợi vì các huyện miền núi đều đã có trường phổ thông dân tộc nội trú. Ngoài các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức cần phải hết sức quan tâm đến chất lượng văn hóa, cụ thể là xếp loại học lực cuối cấp trung học phổ thông phải đạt từ loại khá trở lên.


LÊ VĂN