11:12, 31/12/2013

Chưa thực sự xứng tầm với nội lực

Trong các văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học được coi là một trong những vấn đề trọng tâm nhằm góp phần đổi mới quản lý giáo dục và phương pháp giảng dạy.

Trong các văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) được coi là một trong những vấn đề trọng tâm nhằm góp phần đổi mới quản lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Nhiệm vụ này đã được tạo điều kiện thuận lợi bằng việc bổ sung biên chế chuyên theo dõi, chỉ đạo trong phạm vi toàn ngành. Tuy vậy, kết quả đạt được chưa thực sự xứng tầm với nội lực ngành GD-ĐT…


Thiếu tính ứng dụng, ít giá trị khoa học


Năm học 2012 - 2013, trong số 44 đơn vị trực thuộc với khoảng 2.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ có 273 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) và đề tài NCKH sư phạm ứng dụng được gởi về Sở GD-ĐT thẩm định, đạt tỷ lệ xấp xỉ 11%. Phần lớn số đề tài này tập trung ở một số trường THPT như Nguyễn Văn Trỗi, Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Hoàng Văn Thụ (Nha Trang), Tô Văn Ơn (Vạn Ninh), Trần Bình Trọng (Cam Lâm), Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi (Ninh Hòa)... Hầu hết những đơn vị còn lại, mỗi nơi chỉ thực hiện một vài đề tài, thậm chí có 3 đơn vị không thực hiện được đề tài nào dù mỗi trường có đến 5 - 7 chục cán bộ, giáo viên.


Kết quả thẩm định của Sở GD-ĐT cho thấy, chất lượng các SKKN và đề tài NCKH sư phạm ứng dụng khá khiêm tốn. Chỉ có 3 đề tài đạt loại tốt (1,1%), 28 loại khá (10,25%), 182 loại đạt (66,67%) và 60 không đạt yêu cầu (21,98%). Việc đánh giá và xếp loại các đề tài này cũng chưa thực sự chặt chẽ vì còn liên quan đến việc xét thi đua. Bởi nếu không có đề tài được công nhận và xếp loại thì không có chiến sĩ thi đua và cũng không có đơn vị tiên tiến. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phong trào thi đua chung của toàn ngành.


Hạn chế có tính chất phổ biến nhất của công tác NCKH hiện nay là nhiều người không nắm vững quy trình, phương pháp và nội dung cơ bản của 1 SKKN hoặc 1 đề tài NCKH sư phạm ứng dụng. Nội dung nhiều đề tài đã cũ, trùng lặp với các năm trước đây như ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng sơ đồ tư duy, công tác chủ nhiệm lớp... Mặt khác, không ít đề tài NCKH thiếu lôgic, khoa học, các phiếu hỏi và điều tra không ăn nhập gì với kết luận và giải pháp đề ra. Do vậy, phần lớn đề tài ít có giá trị thực tiễn, chưa thể hiện rõ sự đầu tư nghiêm túc, chu đáo của người viết. Có lẽ, việc viết SKKN hay đề tài NCKH sư phạm ứng dụng của cán bộ, giáo viên hiện nay chủ yếu để đưa vào hồ sơ thi đua - khen thưởng là chính, chứ không phải để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục như chỉ đạo và mong mỏi của lãnh đạo ngành GD-ĐT.


Những năm qua, đã có nhiều đề tài NCKH các cấp thuộc lĩnh vực GD-ĐT đã được ngân sách Nhà nước đầu tư với khoản kinh phí đáng kể. Tuy vậy, sau khi nghiệm thu, công bố, nhiều đề tài không được triển khai ứng dụng rộng rãi. Nguyên nhân là do nhiều đề tài thiếu giá trị khoa học, không có ý nghĩa thực tiễn nên không thuyết phục được các cơ sở, trường học. Thậm chí, có đề tài NCKH về dự báo phát triển giáo dục của tỉnh với khối lượng khá đồ sộ nhưng sau khi hoàn thành lại được xếp vào tủ vì số liệu “vênh” quá nhiều so với thực tiễn phát triển giáo dục. Cũng có những đề tài về các lĩnh vực chuyên môn cụ thể của các cấp học phổ thông nhưng kết quả nghiên cứu và giải pháp đề ra lại không được các chuyên viên chỉ đạo và giáo viên trực tiếp giảng dạy đồng tình ủng hộ.


Có lẽ cần phải xem xét thật kỹ hơn nữa tính nghiêm túc, khách quan và khoa học trong công tác NCKH. Đã xảy ra trường hợp có đến 3 - 4 đề tài NCKH cấp cơ sở thực hiện cùng lúc lại sao chép đề cương nghiên cứu của nhau một cách máy móc. Những đề tài này nếu được thực hiện rất dễ cho ra kết quả nghiên cứu tương tự như nhau và chắc chắn không thể đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, sáng tạo trong công tác NCKH.


Càng lên cấp học trên càng ít nghiêm túc


Mỗi năm, Sở GD-ĐT đều được Hội đồng thi đua tỉnh giao nhiệm vụ thẩm định các SKKN và đề tài NCKH sư phạm ứng dụng của cán bộ, giáo viên đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, từ cấp học mầm non cho đến THPT trong toàn ngành. Qua thẩm định, đánh giá cho thấy ở các cấp học mầm non, tiểu học, nhiều cán bộ, giáo viên đã có sự chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu và thực sự dành nhiều tâm huyết cho công tác này. Nhiều đề tài khá đơn giản nhưng rất thiết thực, càng đọc kỹ càng thấy nhiều ý nghĩa và điều quan trọng là có thể nhân rộng ra các đơn vị khác một cách thuận lợi, dễ dàng. Đơn cử, năm 2012, SKKN của cô giáo Lữ Đỗ Hoài Hương, Trường Mầm non Hoa Mai (Cam Ranh) về việc giáo dục trẻ mầm non thói quen rửa tay là một trong số rất ít đề tài được hội đồng thông qua và đánh giá tốt nhất đối với ngành GD-ĐT.


Ngược lại, nhiều SKKN của cán bộ, giáo viên một số trường THPT rất chiếu lệ, chỉ khoảng vài trang giấy A4 với nội dung hết sức sơ sài. Thậm chí có những đề tài NCKH sư phạm ứng dụng nhưng “ruột” lại là SKKN hoặc ngược lại, có trường hợp đề tài pha trộn nội dung, quy trình của cả 2 loại. Một số SKKN sao chép từ mạng với sự cắt dán khá lộ liễu!


Thực ra, nội lực của ngành GD-ĐT về công tác NCKH đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Hầu hết cán bộ, giáo viên đã được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng. Số người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ đã lên con số hàng trăm và không ngừng tăng nhanh theo từng năm học. Cơ quan Sở GD-ĐT cũng có Phòng Quản lý khoa học chuyên phụ trách và theo dõi công tác này. Vấn đề còn lại là công tác chỉ đạo cần thường xuyên, kiên quyết hơn nữa để NCKH thực sự trở thành một nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị, trường học và lực lượng cán bộ, giáo viên trong toàn ngành.


LÊ VĂN