07:11, 29/11/2013

Coi trọng nghiên cứu khoa học

Theo thầy Chu Đình Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, nhà trường luôn xác định, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực về khoa học và công nghệ cho giảng viên là hai nhiệm vụ trọng tâm của trường.

Theo thầy Chu Đình Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, nhà trường luôn xác định, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực về khoa học và công nghệ (KH-CN) cho giảng viên là hai nhiệm vụ trọng tâm của trường.


Nhờ có sự quan tâm của tỉnh, các ban, ngành, nhà trường đã có điều kiện triển khai các mảng nghiên cứu khoa học, nâng cấp các phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho các giảng viên nghiên cứu và phối hợp với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu thực hiện các đề tài nghiên cứu KH-CN. Thế mạnh của trường là lĩnh vực khoa học cơ bản. Vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy nên các sản phẩm của giảng viên đều được ứng dụng vào bài giảng. Bên cạnh đó, lĩnh vực khoa học giáo dục cũng được chú ý.


Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang có đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao, một số giảng viên có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Hiện nay, trường có 1 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 76 thạc sĩ, hơn 10 nghiên cứu sinh. Đây là lực lượng giảng viên khá mạnh đối với một trường cao đẳng. Nhà trường có các phòng chức năng quản lý nhà nước về KH-CN; có hội đồng khoa học toàn trường và từng khoa, tư vấn về hoạt động KH-CN cho trường. Nhờ những thuận lợi đó, công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên trong vài năm qua có những chuyển biến tích cực. Từ năm học 2009 - 2010 đến năm học 2013 - 2014, trường thực hiện 121 đề tài cấp cơ sở, trong đó có 28 đề tài khoa học và công nghệ, 93 giáo trình biên soạn.

 

Sinh viên phân tích các mẫu nước lấy từ nhiều địa phương trong tỉnh.
Sinh viên phân tích các mẫu nước lấy từ nhiều địa phương trong tỉnh.


Năm học 2012 - 2013, cán bộ, giảng viên đã đăng ký thực hiện 1 đề tài cấp tỉnh do Tiến sĩ Ngô Thị Minh làm chủ nhiệm: “Biên soạn tài liệu dạy và học Ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp trung học cơ sở”. Đề tài đã được phê duyệt đề cương, đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn có 7 đề tài khoa học cơ sở đã được nghiệm thu và 17 giáo trình, tài liệu tham khảo được biên soạn phục vụ đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Ngoài các đề tài cấp cơ sở, giảng viên có thể tham gia các công trình nghiên cứu khoa học của các trường đại học, các viện, quỹ phát triển KH-CN của quốc gia… Hiện nay, có 3 cán bộ, giảng viên của trường tham gia thực hiện các đề tài KH-CN cấp bộ, cấp Nhà nước chuyên ngành hẹp về Toán và Vật lý. Đó là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Phương Ngọc, Tiến sĩ Phan Phiến, Tiến sĩ Phạm Thanh Phong. 3 giảng viên này đều phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. Ngoài ra, các giảng viên cũng định hướng cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Từ năm 2011 - 2012 đến 2013 - 2014, có 140 đề tài khoa học của sinh viên.


Theo đánh giá của lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tuy có đội ngũ nghiên cứu khoa học có trình độ cao nhưng nhà trường vẫn còn khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đề tài nghiên cứu thiết thực và có tính khả thi. Các hoạt động KH-CN của giảng viên chủ yếu tập trung vào việc biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, bài giảng phục vụ việc dạy và học; việc nghiên cứu các đề tài KH-CN còn ít về số lượng và chưa phù hợp với định hướng. Một trong những khó khăn của trường là cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu KH-CN còn hạn chế. Năm 2012, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho trường 2 tỷ đồng, chủ yếu trang bị một số thiết bị dạy, học, thực hành cho sinh viên, chưa thể đầu tư đồng bộ cho giảng viên, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học thực nghiệm (hóa học, sinh học, vật lý). Năm 2013, tỉnh cấp cho trường 121 triệu đồng cho phát triển KH-CN. Nhưng số kinh phí này, nếu tính cho 24 đề tài của năm cùng nhiều hoạt động KH-CN khác thì chỉ có tính hỗ trợ. Cũng do thiếu kinh phí nên trường chưa hình thành được những nhóm nghiên cứu sâu. Để khắc phục điều này, một số giáo viên đã liên kết với một số viện nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Ứng dụng KHCN tỉnh, Viện Hóa học, Viện Vật lý Trung ương…) để thực hiện các đề tài nghiên cứu theo nhóm, nhưng đây cũng chỉ có tính chất cá nhân. Vừa qua, nhà trường đã bước đầu làm việc với Đại học Sư phạm Huế để phối hợp hình thành những nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, sắp tới, trường có chủ trương cho giáo viên về các trường phổ thông khảo sát; phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các mô hình giáo dục mới để đón đầu, rà soát lại chương trình, chuẩn đầu ra…


N.D - N.V