04:11, 29/11/2013

Đâu là khâu đột phá?

Năm năm về trước, nhiều người nói đùa rằng các trung tâm học tập cộng đồng là trung tâm "5 không": Không trụ sở, không trang thiết bị, không kinh phí, không quy chế hoạt động và không biên chế chuyên trách.

Năm năm về trước, nhiều người nói đùa rằng các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là trung tâm “5 không”: Không trụ sở, không trang thiết bị, không kinh phí, không quy chế hoạt động và không biên chế chuyên trách. Hiện nay, hoạt động của các TTHTCĐ đã được cải thiện đáng kể nhưng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động vẫn còn nhiều việc phải làm.


Chuyển biến nhưng vẫn còn khó khăn


Theo đánh giá, xếp loại của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), năm 2012, toàn tỉnh có 24,8% TTHTCĐ xếp loại tốt, 49,6% loại khá và 25,6% loại trung bình, không có đơn vị nào bị xếp loại kém. Báo cáo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng cho thấy kết quả tình hình hoạt động của các TTHTCĐ trong năm 2012 có nhiều chuyển biến tích cực và mới mẻ. Có 120.602 lượt người tham gia học tập các chuyên đề do các TTHTCĐ tổ chức, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Số lượng người có việc làm mới sau học nghề ngắn hạn tăng dần theo từng năm, riêng năm 2012 là 20.579 người. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh năm 2012 còn 7,44%, thấp hơn năm trước 1,96%. Đặc biệt, các TTHTCĐ cũng đã đóng góp đáng kể trong việc nâng tỷ lệ người biết chữ trong toàn xã hội lên tới 99,36%. Những con số này quả thật đã khác xa so với năm 2007, khi có đến 80% TTHTCĐ được coi là “hữu danh vô thực” vì không có hoạt động gì đáng kể sau khi được thành lập.


Các TTHTCĐ có tác động thiết thực trong việc giúp người dân tiếp cận, nắm bắt được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng vào cuộc sống. Trong thực tế, việc học tập các chuyên đề ở các TTHTCĐ không chỉ hỗ trợ người dân, nhất là nông dân chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh cho người và vật nuôi, cây trồng, mở ra nhiều công việc làm ăn mới mà còn góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở từng thôn, xóm, xã, phường.


Điển hình như: TTHTCĐ Ninh Giang (Ninh Hòa), Diên Lộc, Diên Toàn, Suối Tiên, Diên Thọ (Diên Khánh), Ba Ngòi, Cam Phúc, Cam Phước Đông (Cam Ranh), Sông Cầu, Khánh Thành (Khánh Vĩnh), Sơn Bình (Khánh Sơn)... Tuy vậy, để các TTHTCĐ thực sự là mô hình lý tưởng trong việc xây dựng xã hội học tập và là địa chỉ tin cậy của người lao động nghèo trong việc phổ biến kiến thức để nâng cao chất lượng cuộc sống vẫn là bài toán khó cho ngành GD-ĐT và các địa phương hiện nay.

 
Đâu là khâu đột phá?


So với nhiệm vụ, mục tiêu đề ra các TTHTCĐ vẫn còn đối mặt với nhiều thiếu thốn, bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của đại bộ phận TTHTCĐ còn nghèo nàn trong khi tài liệu tham khảo và các phương tiện hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập cũng rất ít ỏi. Về mặt kinh phí, hiện nay ngân sách Nhà nước đã cấp phát cho mỗi TTHTCĐ là 44 triệu đồng/năm nhưng gần 2/3 là chi trả phụ cấp cho ban quản lý. Phần còn lại phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của mỗi TTHTCĐ chỉ khoảng 15 triệu đồng/năm quả là rất thấp. Trong khi đó, bộ máy quản lý của các TTHTCĐ đều là kiêm nhiệm nên không có thời gian và cũng không thể toàn tâm toàn ý với hoạt động của các trung tâm. Chính vì vậy mà một số TTHTCĐ hoạt động ít hiệu quả, còn thiên về hình thức, phong trào, chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập, tìm hiểu của nhân dân.


Trong bối cảnh này, khâu đột phá để các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả và không ngừng phát triển chính là bố trí cán bộ chuyên trách và tạo điều kiện cho họ gắn bó lâu dài với các trung tâm. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã kiến nghị biệt phái giáo viên phụ trách bổ túc văn hóa ở các xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý các TTHTCĐ để vừa tăng nhân lực vừa tạo điều kiện cho các trung tâm hoạt động thuận lợi hơn. Điều này hoàn toàn hợp lý vì đến nay, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đã được ổn định, vững chắc, không phải mất nhiều thời gian như trước đây. Mặt khác, những giáo viên này cũng có nhiều thuận lợi trong việc tranh thủ sự giúp đỡ và liên kết hoạt động với các các trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, các trường phổ thông trên cùng địa bàn để khắc phục khó khăn, thiếu thốn về tài liệu, phương tiện dạy học cũng như lực lượng báo cáo viên. Bản thân họ cũng có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp thu cái mới về khoa học, kỹ thuật, kiến thức xã hội để trực tiếp hướng dẫn cho người dân. Từ đây, các biên chế kiêm nhiệm của các TTHTCĐ cũng có thể giảm dần để phần lớn kinh phí được cấp có thể tập trung cho việc tổ chức các hoạt động thường xuyên và đạt hiệu quả tốt hơn.


LÊ VĂN