Đến năm 2015, Khánh Hòa phải nâng tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ lên 98,5%; 100% huyện, thị xã, thành phố củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Đến năm 2015, Khánh Hòa phải nâng tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ lên 98,5%; 100% huyện, thị xã, thành phố củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS. Đó là một trong những mục tiêu của nhiệm vụ chống mù chữ, PCGD và xây dựng xã hội học tập (XHHT) đến năm 2015 và 2020 của tỉnh.
Theo Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” và mục tiêu chống mù chữ, PCGD, xây dựng XHHT đến năm 2015 và 2020 của tỉnh, đến năm 2015, Khánh Hòa phải nâng tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ lên 98,5%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt 92%; nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ lên 87%. Đồng thời, 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020; trên 80% cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ tin học; trên 20% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và trên 5% có trình độ bậc 3; trên 50% lao động nông thôn tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ); phấn đấu 85% công nhân qua đào tạo nghề, tăng tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn...
Đoàn viên thanh niên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang dạy học tình nguyện ở Khánh Sơn. |
Để đạt được các mục tiêu trên, Ban chỉ đạo PCGD, chống mù chữ và xây dựng XHHT đã đưa ra các giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của xã hội về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của công tác xóa mù chữ, PCGD và xây dựng XHHT; gắn kết quả tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng XHHT và các phong trào thi đua của địa phương. Tổ chức nhiều hình thức học tập phong phú nhằm động viên mọi người học tập suốt đời. Các lớp học xóa mù chữ phải tổ chức phù hợp với các nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học. Ngành Giáo dục và cấp ủy, chính quyền địa phương phải phối hợp thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, đảm bảo mọi trẻ em đều được học tập. Đối với các trường có học sinh dân tộc thiểu số, cần có hình thức tổ chức lớp học phù hợp, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú nếu có điều kiện. Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ và PCGD; phấn đấu tăng số lượng trung tâm HTCĐ hoạt động có hiệu quả; phát triển mô hình trung tâm HTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao xã; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở GD, trung tâm HTCĐ... Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 137/137 xã, phường, thị trấn có trung tâm HTCĐ. Năm 2012, ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho mỗi trung tâm HTCĐ là 38 triệu đồng; năm 2013 tăng lên 44 triệu đồng. Qua kiểm tra đánh giá, đa số các trung tâm HTCĐ hoạt động tốt, nội dung đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người dân như xóa mù chữ, dạy chương trình PCGD, phổ biến thời sự, pháp luật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Số người tham gia học tập tại trung tâm HTCĐ bình quân hàng năm tăng. Năm 2012 có 120.602 người tham gia học tập, tăng 96% so với năm 2011. “Chúng ta phải biết phát huy tác dụng, hiệu quả của các trung tâm HTCĐ. Cần bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm HTCĐ để bảo đảm tốt các điều kiện tổ chức các hình thức học tập cho cán bộ, công chức, người lao động nông thôn, góp phần thực hiện thành công “Đề án Xây dựng XHHT” tại cơ sở”, ông Tứ nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCGD, chống mù chữ và xây dựng XHHT, hiện nay, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi của tỉnh là 98,2%. Khánh Hòa đã đạt chuẩn PCGD mầm non 5 tuổi; đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; PCGD THCS đạt tỷ lệ 99,1%. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm HTCĐ. |
Bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động của các thư viện xã, tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tích cực huy động các lực lượng xã hội chăm lo xây dựng, phát triển giáo dục... Chỉ đạo công tác PCGD, chống mù chữ và xây dựng XHHT đến năm 2015 và 2020, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh xây dựng các chủ đề sinh hoạt cụ thể hàng năm cho các trung tâm HTCĐ; gắn kết các chương trình đào tạo và liên kết các chương trình này với chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh; tiếp tục phát huy mô hình hoạt động của các trung tâm HTCĐ đến các thôn, tổ dân phố; củng cố và xây dựng lại Ban chỉ đạo chương trình này ở các cấp. Huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh phải đạt PCGD cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013; các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học; tiếp tục tổ chức các buổi ăn trưa cho trẻ em dưới 5 tuổi ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh...
LÊ NGUYÊN