08:10, 17/10/2013

Nhân rộng mô hình VNEN

Phát huy những kết quả đạt được từ Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong năm học 2013 - 2014, tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh phải tổ chức lớp học theo mô hình VNEN.

Phát huy những kết quả đạt được từ Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ đạo trong năm học 2013 - 2014, tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh phải tổ chức lớp học theo mô hình VNEN.


Mô hình VNEN là dự án do Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển GD toàn cầu (GPE) thực hiện. Đây là mô hình giảng dạy theo phương pháp lấy học sinh (HS) làm trung tâm; đổi mới cách thức tổ chức, quản lý lớp học và đánh giá HS.


Năm học 2011 - 2012, Khánh Hòa có 4 trường tiểu học tham gia thí điểm mô hình này. Đến năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh có 23 trường tiểu học chính thức triển khai thực hiện mô hình với 4.508 HS tham gia. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, sau 2 năm triển khai mô hình VNEN ở Khánh Hòa, các lớp học theo mô hình VNEN có những kết quả nổi bật so với các lớp bình thường; không chỉ giáo viên (GV) mà phụ huynh HS cũng đánh giá cao mô hình này. Thầy Nguyễn Văn Quát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diên Điền (Diên Khánh) - một trong 4 trường đã tham gia thí điểm mô hình VNEN khẳng định, mô hình VNEN tập trung vào việc chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của GV sang tổ chức hoạt động tự học của HS là chính nên đã giúp HS tự giác, được trải nghiệm, khai thác, khám phá và chủ động trong lĩnh hội kiến thức mới. HS nắm được phương pháp học tập, thực sự trở thành trung tâm trong quá trình dạy học.

 

Một lớp học của trường Tiểu học Khánh Đông dạy theo mô hình VNEN.
Một lớp học của trường Tiểu học Khánh Đông dạy theo mô hình VNEN.


Tại Trường Tiểu học Khánh Đông - một trong 2 trường của huyện miền núi Khánh Vĩnh triển khai mô hình VNEN, lớp học của thầy giáo Cao Văn Khôi có 19 HS. Các HS đều là con em của đồng bào dân tộc thiểu số, bản tính còn rụt rè, nhút nhát, nhưng khi thấy có khách đến thăm lớp, các nhóm HS đang quây quần thảo luận đều đồng loạt đứng dậy chào rất to rồi tự giới thiệu về lớp học của mình. Lớp học ồn ào, đôi khi có tiếng cãi nhau vì tranh luận một vấn đề của môn học và thậm chí có cả tiếng hô to của cả nhóm khi đã thống nhất ý kiến câu trả lời. Thầy Cao Văn Khôi cho biết, khi tổ chức lớp học theo mô hình VNEN, ban cán sự lớp được thay thế bằng hội đồng tự quản. Với sự hướng dẫn của giáo viên, HS tự tổ chức bầu hội đồng tự quản; dưới chủ tịch hội đồng, còn có hai phó chủ tịch và các ban như: ban học tập, ban thư viện, ban quyền lợi của HS, ban đối ngoại, ban sức khỏe và vệ sinh, ban văn nghệ và thể dục thể thao. Ngoài ra, trong mỗi nhóm HS còn có nhóm trưởng và chức danh này cũng được thay đổi luân phiên trong nhóm để động viên HS, giúp HS trở nên mạnh dạn, tự tin thể hiện khả năng của bản thân. “Qua một năm tổ chức lớp học theo mô hình VNEN, tôi thấy HS đã quen với việc học tập theo mô hình mới. Các em chủ động với việc học; bước đầu biết cách tự học, tự đánh giá mình và bạn trong nhóm. Ngoài ra, các em tự tin hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình trước lớp. Nhiều người đến trường tôi tham quan lớp học của mô hình VNEN cứ tấm tắc khen HS miền núi mà nhanh nhẹn, tự tin. Bản thân chúng tôi cũng rất tự hào về HS của mình”, thầy Cao Văn Khôi chia sẻ.


Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét, qua 2 năm triển khai mô hình VNEN ở một số trường tiểu học trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy không chỉ HS ở đồng bằng mà đối với miền núi, khả năng lĩnh hội của các em đối với phương pháp này cũng rất nhanh, nhất là tổ chức lớp học. Đội ngũ GV bước đầu đã hướng dẫn các em thành thạo một số kỹ năng như giao tiếp, tự học và một số kỹ năng để tự phục vụ bản thân. Với kết quả này, Sở GD-ĐT đã mạnh dạn nhân rộng mô hình VNEN cho tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh trong năm học 2013 - 2014. Tuy nhiên, việc áp dụng chỉ ở hình thức tổ chức lớp học, có nghĩa là bố trí học tập theo nhóm tự quản, hội đồng tự quản và trang trí lớp học theo mô hình VNEN. Các trường áp dụng mô hình VNEN theo các hình thức trên với các mức độ khác nhau trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, được sự đồng thuận của cha mẹ HS và cộng đồng.


Theo ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng GD tiểu học (Sở GD-ĐT), 23 trường tiểu học đã triển khai mô hình VNEN trong thời gian qua cần chú ý trong năm học 2013 - 2014. Việc đánh giá HS tiểu học theo mô hình VNEN có rất nhiều điểm đổi mới. Về nguyên tắc, việc đánh giá HS tiểu học VNEN vẫn đảm bảo tính kịp thời, công bằng, khách quan và toàn diện; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS. Trong quá trình đánh giá phải kết hợp đánh giá của GV, các đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nhà trường, cha mẹ HS và tự đánh giá của HS. Các nội dung đánh giá bao gồm: Kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; sự hình thành và phát triển năng lực chung của HS tiểu học (tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề); sự hình thành, phát triển các phẩm chất của HS tiểu học: yêu cha mẹ, gia đình; yêu bạn bè, trường lớp; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật; chăm học, thích hoạt động nghệ thuật, thể thao...


LÊ NGUYÊN