08:09, 26/09/2013

Lực đẩy của chất lượng giáo dục

5 năm qua, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã trở thành lực đẩy cho sự phát triển của không ít trường học trong tỉnh Khánh Hòa. Cái hay của phong trào là đã “kéo” những người thật sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục lại gần nhau.

5 năm qua, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực” đã trở thành lực đẩy cho sự phát triển của không ít trường học trong tỉnh Khánh Hòa. Cái hay của phong trào là đã “kéo” những người thật sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục lại gần nhau.


Một mục tiêu, nhiều giải pháp


Ra đời từ năm 2008, mục tiêu của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát động là huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài trường học để xây dựng môi trường GD an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội; phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của HS thông qua các hoạt động GD trong nhà trường và cộng đồng... Năm đầu tiên triển khai, toàn tỉnh chỉ có 70% trường học tham gia, nhưng đến năm học 2009 - 2010, 100% đơn vị, trường học thuộc các ngành học, bậc học trong tỉnh đã tham gia phong trào. Mỗi đơn vị, trường học có các giải pháp, sáng tạo riêng để đạt được mục tiêu của phong trào.

Nhờ sự đầu tư của toàn xã hội, học sinh được học trong môi trường giáo dục  an toàn và thân thiện.
Nhờ sự đầu tư của toàn xã hội, học sinh được học trong môi trường giáo dục an toàn và thân thiện.


Nổi bật là Trường Mầm non Hương Sen (Nha Trang) với việc tổ chức các hoạt động cho trẻ vào ban đêm xa bố mẹ để rèn tính tự lập, mạnh dạn, tự tin. Trường Mầm non Lý Tự Trọng (Nha Trang) tổ chức “Ngày hội trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm cho phụ huynh, HS và giáo viên (GV) để giáo dục trẻ kỹ năng lao động, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Trường Tiểu học Diên Điền (Diên Khánh) xây dựng vườn trường, trồng các loại rau, quả để phục vụ bữa ăn trưa cho HS. Mỗi khu vực được phân công cụ thể cho từng khối lớp, từng lớp để GV, HS và phụ huynh có ý thức trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo quản cây thường xuyên. Trường THCS Hùng Vương (Ninh Hòa) tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày nhằm giảm bớt sự căng thẳng trong học tập cho HS, chú trọng tổ chức các hoạt động vui chơi để giúp HS tự tin, tích cực trong học tập. Trường THCS Võ Văn Ký (Nha Trang) tổ chức cho HS tìm hiểu, chăm sóc và bảo vệ di tích lịch sử địa phương để GD tình yêu, lòng tự hào về quê hương Khánh Hòa. Trường THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh) phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong trường với mô hình “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”...


Hiệu quả rõ nét


Với những giải pháp cụ thể, qua 5 năm triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, các trường học trong tỉnh đã trồng hơn 200.000 cây xanh; xây dựng 1.031 câu lạc bộ giúp nhau học tập; hỗ trợ 17.553 bạn nghèo có hoàn cảnh khó khăn; toàn tỉnh không có HS bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở. Mỗi năm học, có hơn 900.000 buổi học tốt, hơn 500 vạn bông hoa điểm 10 của HS. Các đơn vị, trường học trong tỉnh đã hỗ trợ, giữ gìn, chăm sóc 13 di tích cấp quốc gia, 142 di tích cấp tỉnh và 118 công trình, di tích khác; thăm hỏi, chăm sóc hơn 60 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm gia đình thương binh liệt sĩ hoặc có công với cách mạng... Để có được những con số ấn tượng trên, ngoài sự nỗ lực của thầy và trò, không thể không kể đến những đóng góp về vật chất, tinh thần, ngày công lao động của phụ huynh HS và các lực lượng trong xã hội. Những công trình như: “Vườn cổ tích”, “Lớp học thân thiện”, “Vườn rau sạch”, bếp ăn bán trú, nhà vệ sinh trường học... đều có sự tham gia góp sức của các ban, ngành, hội, đoàn thể, các tổ chức. Cô Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lý Tự Trọng cho biết: “Cái hay của phong trào là đã “kéo” những người thật sự tâm huyết lại gần nhau, cùng chăm lo cho sự nghiệp GD”.


Có thể nói, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã trở thành lực đẩy cho sự phát triển của không ít trường học trong tỉnh. Ông Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét: “Qua 5 năm thực hiện, phong trào này như một cơ chế thực hiện xã hội hóa GD, huy động được sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường GD an toàn, thân thiện và hiệu quả. Kết quả rõ nét nhất của phong trào là nhận thức về cách làm GD nhiều nơi thay đổi rõ rệt, ý thức trách nhiệm của xã hội đối với hoạt động GD được cải thiện. Kết quả của phong trào không chỉ góp phần phát triển GD mà còn là sự phát triển văn hóa và phong trào thanh thiếu niên trong nhà trường, các địa phương...”.


THU HIỀN