12:09, 13/09/2013

Dạy học bằng phương pháp “Bàn tay nặn bột”: Hiệu quả tích cực

Sau 1 năm áp dụng thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học ở 2 trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quyết định triển khai mở rộng phương pháp này ra toàn tỉnh trong năm học 2013 - 2014.

Sau 1 năm áp dụng thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học ở 2 trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định triển khai mở rộng phương pháp này ra toàn tỉnh trong năm học 2013 - 2014.


Học sinh hứng thú


Năm học 2012 - 2013, Sở GD-ĐT đã áp dụng thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học ở Trường Tiểu học Phương Sài (TP. Nha Trang) và Trường Tiểu học Cam Đức 1 (huyện Cam Lâm). Đây là phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu nên chỉ áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Với phương pháp này, học sinh (HS) phải tự làm các thực nghiệm để tiếp thu kiến thức khoa học, tự tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra... Vai trò của giáo viên (GV) ở phương pháp này không phải là truyền thụ những kiến thức khoa học dưới dạng thuyết trình, trình bày mà là giúp HS xây dựng kiến thức bằng cách cùng hành động với HS. Sau 1 năm triển khai, các GV trực tiếp giảng dạy phương pháp này đều khẳng định “Bàn tay nặn bột” khiến HS rất hứng thú. Các em làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và được trình bày quan điểm. Các em có thể ghi nhớ kiến thức ngay trên lớp và biết vận dụng vào cuộc sống.


Cô Hồ Hải Châu, GV Trường Tiểu học Phương Sài nói: “Không nghi ngờ gì về hiệu quả tích cực của phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Khi giảng các tiết học trong bộ môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3, với phương pháp “Bàn tay nặn bột”, GV chỉ là người giúp HS xây dựng kiến thức bằng cách cùng hành động với các em. Với phương pháp này, mỗi nhóm HS có thể tìm một hướng đi khác nhau, có những giả thiết khác nhau. Kết quả có thể đúng có thể sai nhưng dù thế nào các em cũng đi tới được cái đích là nắm bài sâu hơn, chắc hơn khi được tự suy nghĩ, tự quan sát, tự làm”. Còn với cô Nguyễn Thị Như Thơ, GV Trường Tiểu học Cam Đức 1 thì phương pháp “Bàn tay nặn bột” không chỉ tạo tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của HS mà còn giúp GV tránh được tình trạng ỳ, người đứng lớp cũng hứng thú. Ngoài ra, phương pháp này còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho HS. “Khi học theo phương pháp này, mỗi HS đều có quyển vở thực hành riêng do chính các em ghi chép theo ngôn từ và cách thức của riêng mình. Dựa trên các thí nghiệm và nghiên cứu của HS, GV hiểu rõ hơn cách thức mà HS tiếp thu kiến thức khoa học, hay nói cách khác là hướng dẫn tự học và hướng dẫn cách nghiên cứu khoa học cho HS”, cô Như Thơ chia sẻ.

 

1
Học sinh Trường Tiểu học Phương Sài (Nha Trang) trong giờ học với phương pháp “Bàn tay nặn bột”.


Triển khai mở rộng


Với hiệu quả tích cực, Sở GD-ĐT đã quyết định triển khai mở rộng phương pháp “Bàn tay nặn bột” ra toàn tỉnh trong năm học 2013 - 2014. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu mỗi Phòng GD-ĐT chọn một trường tiểu học để tham gia dạy phương pháp này. Tại mỗi trường sẽ chọn 3 lớp ở 3 khối (3, 4, 5) tham gia dạy. Riêng hai trường tiểu học Phương Sài và Cam Đức 1 sẽ mở rộng cho các lớp khối 3, 4, 5.


Ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Qua một năm triển khai thí điểm, chúng tôi thấy GV và HS đã nhận thức và chấp nhận những ưu điểm của phương pháp dạy học mới. GV đã quen thuộc với cách thức thực hiện phương pháp dạy mới và HS có nhiều hứng thú khi tham gia các tiết học này. Các trường triển khai thí điểm cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phụ huynh HS. Thực hiện Đề án “Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011 - 2015” của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT sẽ mở rộng phương pháp này ra phạm vi toàn tỉnh trong năm học 2013 - 2014”. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, bên cạnh công tác tập huấn, phổ biến phương pháp cho GV, các phòng GD-ĐT, các trường phải có biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho GV áp dụng phương pháp này về thời gian chuẩn bị bài dạy, hỗ trợ kinh phí làm thiết bị dạy học và học liệu. Ngoài ra cần thường xuyên phối hợp tổ chức dự giờ thăm lớp và rút kinh nghiệm cho GV trong quá trình thực hiện dạy thí điểm; có hình thức động viên, khen thưởng các GV tích cực áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” đạt kết quả tốt. Đồng thời, phải tăng thời lượng cho môn học áp dụng phương pháp này; cung cấp đầy đủ đồ dùng dạy học cơ bản cho GV; phổ biến đến phụ huynh, địa phương, ban ngành liên quan để được hỗ trợ tích cực...


LÊ NGUYÊN