Bị quy lấy cắp đồng phục của bạn chung phòng, không nghe giải thích của em và gia đình, một học sinh mới nhập học hơn 3 tháng vào lớp 10 năm học 2012-2013 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang) buộc phải chuyển trường.
Bị quy lấy cắp đồng phục của bạn chung phòng, không nghe giải thích của em và gia đình, một học sinh (HS) mới nhập học hơn 3 tháng vào lớp 10 năm học 2012-2013 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang) buộc phải chuyển trường. Hiện nay, vết thương lòng cũng đã vơi đi nhưng em rất cần một sự giải tỏa về mặt tâm lý.
Từ một sự việc đơn giản
Trong đơn kêu cứu gởi tới các cơ quan thông tấn báo chí, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), phụ huynh của em T.T.N.T (nguyên là HS lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tha thiết nhờ giúp đỡ lấy lại tinh thần, danh dự cho em T. để em không bị bạn bè ngộ nhận là vì ăn cắp nên bị đuổi học; em có thể tự tin, vui vẻ hòa nhập với bạn bè trong ngôi trường mới.
Trao đổi với phóng viên, mẹ của em T. là bà N.T.H.M (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết, sự việc xảy ra vào giữa tháng 11-2012, khi em T. đang ở nội trú Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Chỉ vì T. mặc nhầm quần áo đồng phục thể dục và lấy nhầm một cái quần đồng phục đi học của bạn cùng phòng mà T. bị Hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị phê bình trước lớp, trước trường và gợi ý phụ huynh HS chuyển trường, nếu không sẽ bị ghi vào học bạ hạnh kiểm “yếu”. “Tôi đã van xin ban giám hiệu nhà trường là do được gia đình cưng chiều, cuộc sống rất đầy đủ nên cháu chỉ biết học dẫn đến khi sống trong môi trường nội trú cháu còn nhiều bỡ ngỡ. Nếu có tính ăn cắp thì cháu phải ăn cắp những thứ có giá trị khác chứ cháu ăn cắp đồ đồng phục thể dục cũ để làm gì? Với lại nếu cố tình ăn cắp thì cháu đã không mặc đi học và không gọi gia đình đem đồ của cháu ở nhà xuống trường rồi bày hết đồ trong vali ra để mọi người kiểm tra. Khi phát hiện có quần đồng phục của bạn trong vali thì cháu mới biết mình lấy nhầm. Sự thật là như thế nhưng do cách xử lý áp đặt của nhà trường nên khiến nhiều người nghĩ rằng cháu ăn cắp nên mới bị đuổi khỏi trường”, bà M. bức xúc nói.
Trích lá thư của em T. |
Em T. cho biết: “Khi biết mình mặc nhầm đồ của chị trong phòng, con đã xin lỗi và trả lại đồ cho chị. Con nghĩ đơn giản vậy thôi, nào ngờ… Liên tiếp những ngày sau, ngày nào cô Nhã (Phó Hiệu trưởng - PV) cũng gọi con lên phòng và tra hỏi con. Con đã thanh minh nhưng cô nói rằng hành vi của con như vậy là sai, theo quy chế sẽ bị hạnh kiểm yếu và ra khỏi trường. Khi biết mình phải ra khỏi trường chuyên, con như rơi xuống vực thẳm…”. Ông T.V.P, ba của em T. cho biết thêm, thời điểm đó tâm trạng của em T. cực kỳ hoảng loạn, em đã có ý định tự tử nhưng rất may gia đình phát hiện kịp thời. “Khi chuyển về trường học mới, cháu vẫn bị một số bạn học trong lớp hiểu lầm và cho rằng cháu bị đuổi học vì ăn cắp nên hiện nay, cháu đang bị ảnh hưởng nặng về tinh thần. Vì thế gia đình tôi yêu cầu Sở GD-ĐT làm sáng tỏ sự việc này để minh oan cho cháu”, ông P. giãi bày.
Cách giải quyết của người lớn
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa: Cách giải quyết sự việc không phù hợp với môi trường GD. Nhà trường là môi trường GD, khi sự việc diễn ra, nhà trường chưa có biện pháp GD HS mà đã có hình thức kỷ luật mang tính áp đặt như vậy là chưa phù hợp với môi trường GD. Theo tôi, trường hợp của HS này chưa đến mức phải xử lý như thế. Dù HS có vi phạm thì nhà trường phải xem xét hành vi một cách cẩn thận. Tuổi học trò còn nhiều bỡ ngỡ, vụng về, thầy cô phải là những người thấu hiểu hơn hết, phải thông cảm cho học trò, giải quyết như thế nào vừa răn đe vừa mang tính GD. Khi sự việc xảy ra, đáng lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phải báo ngay với Sở GD-ĐT để sự việc không bị đẩy đi quá xa. |
Ngày 1-8, Sở GD-ĐT đã làm việc với gia đình em T. và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tại buổi làm việc, ông Trương Văn Điềm – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khẳng định việc em T. mặc quần áo đồng phục thể dục và lấy một cái quần đồng phục đi học của bạn cùng phòng là có thật. Sau khi lấy tường trình của các em cùng phòng với em T. Hội đồng kỷ luật nhà trường đều thống nhất ý kiến hành vi của em là sai. Tuy nhiên, nhà trường cũng rất thận trọng trong lúc dùng từ để xem xét kỷ luật em T. Trong các biên bản, văn bản của nhà trường đều không dùng từ em T. ăn cắp mà chỉ nói là “hành vi sai”. Nếu xét theo quy chế và đảm bảo tính công bằng với những HS vi phạm trước đó thì em T. phải bị hạ hạnh kiểm, phải ra ngoài lớp chuyên, trường chuyên. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho HS, nhà trường đã không ghi gì về việc xảy ra trong học bạ của em T. và gợi ý gia đình chuyển trường cho em để không ghi hạnh kiểm yếu trong học bạ. Khi được hỏi “Nhà trường không công nhận em T. ăn cắp thì tại sao lại có thể đánh giá em hạnh kiểm yếu và đề nghị em chuyển trường?”, ông Điềm lảng tránh không trả lời câu hỏi. Đề cập đến việc em T. từng có ý định tự tử, ông Điềm thừa nhận “không lường trước được vấn đề này”!
Trao đổi với cô Võ Thị Bích Thủy, giáo viên chủ nhiệm của em T. tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, cô cho biết em T. là một HS ngoan, học giỏi, chưa hề vi phạm gì, luôn cố gắng trong học tập, xếp loại giữa học kỳ I hạnh kiểm tốt. Khi sự việc xảy ra đối với em T., nhiều giáo viên, HS trong trường cũng đã có ý kiến nên giữ em T. ở lại trường, cho em cơ hội để sửa sai nhưng không được.
Không đồng tình với cách giải quyết của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông Phan Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho rằng, dù trong biên bản của trường và hồ sơ vụ việc không nói là em T. ăn cắp, nhưng việc em T. phải rời trường chuyên khiến nhiều người dễ ngộ nhận. Qua sự việc này, ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khi giải quyết vấn đề phải đặt quyền lợi của HS lên trên, phải dùng cái tâm để GD HS. Ông Dũng đề nghị: Trường Lê Quý Đôn có trách nhiệm thông báo trước toàn trường theo đề nghị của gia đình em T. là em này do không cẩn thận nên mặc nhầm đồ của bạn chứ không phải ăn cắp; em T. không bị đuổi học mà chuyển về học tại trường khác. Sở sẽ tiếp tục làm việc với trường Lê Quý Đôn để xử lý vụ việc.
THU HIỀN