Hôm nay (30-8), UBND tỉnh Khánh Hòa tuyên dương, khen thưởng những học sinh (HS) đạt giải HS giỏi quốc gia, HS đạt điểm cao trong kỳ thi đại học năm 2013. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa giới thiệu 4 gương mặt đại diện cho các HS được tuyên dương.
Hôm nay (30-8), UBND tỉnh Khánh Hòa tuyên dương, khen thưởng những học sinh (HS) đạt giải HS giỏi quốc gia, HS đạt điểm cao trong kỳ thi đại học năm 2013. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa giới thiệu 4 gương mặt đại diện cho các HS được tuyên dương.
Phan Hồ Nhật Khanh - Giải nhì HS giỏi quốc gia môn Văn: Văn giúp em tự tin hơn trong giao tiếp
Cô nữ sinh lớp 12 chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã chia sẻ chân thành như thế khi nói về môn học đã đưa em đến giải nhì kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2012 - 2013. Nhật Khanh cho biết, em học và sống với văn học vì sự trân trọng và ngưỡng mộ vẻ đẹp của môn học này. Đối với Nhật Khanh, học tốt môn Văn không đơn thuần chiếm lĩnh và phân tích những vẻ đẹp của câu chữ và hình ảnh mà quan trọng hơn, bản thân em đã cảm nhận được những cái hay, cái đẹp của cuộc sống xung quanh.
Thường xuyên đọc sách báo và các bài văn hay đã trở thành thói quen của Nhật Khanh. Mỗi khi đọc một cuốn sách hay tờ báo, thấy câu văn, câu thơ nào hay là Nhật Khanh liền chép ngay vào “sổ tay văn học” và nhẩm nhiều lần cho thuộc để mở rộng kiến thức, ngôn từ. Nhật Khanh cho rằng, một phần nào đó văn học đã làm nên tính cách của em, đó là “đọc nhiều và nghĩ nhiều”. Nhờ đó, trước mỗi hiện tượng của văn học và cuộc sống em đều rung động. Nếu nghe Nhật Khanh chia sẻ những suy nghĩ về môn Văn, dễ nhận thấy ở em một tâm hồn giàu xúc cảm, yêu thương. Khi nói đến những người thân yêu cũng như thầy cô, bạn bè ở mái trường Lê Quý Đôn, Nhật Khanh luôn dành sự biết ơn đến những người luôn ủng hộ, nhất là thầy Chu Xuân Bình - người đã truyền cảm hứng yêu thích văn học cho em.
Chia sẻ về cách học tốt môn Văn, Nhật Khanh nói bên cạnh năng khiếu cần phải có phương pháp học tập đúng đắn. Đối với môn Văn, tự học là điều quan trọng nhất. Để làm được một bài văn hay, trước hết phải “cảm” được tác phẩm, tác giả; phải đọc đi đọc lại kỹ càng, chú ý phân tích từng câu chữ, từng chi tiết để từ đó thấu hiểu và khám phá ra những vẻ đẹp đằng sau ngôn từ theo suy nghĩ của riêng mình. Bên cạnh đó, tham khảo sách vở, tư liệu của những nhà phân tích, phê bình có uy tín để hiểu thêm về những ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm.
Đỗ Xuân Dương - Giải ba HS giỏi quốc gia môn Lịch sử: Học Lịch sử không khó nếu có phương pháp
Xuân Dương là một trong 9 HS của tỉnh đạt giải ba HS giỏi quốc gia năm học 2012 - 2013 và cũng là chàng trai duy nhất trong đội tuyển môn Lịch sử đạt giải cao. Hiện Xuân Dương đang là HS lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Gặp Xuân Dương, ít ai nghĩ rằng chàng trai cao to, vạm vỡ này lại không đi theo khối A mà chọn đến với các môn xã hội. Chia sẻ về lý do yêu thích môn Lịch sử, Xuân Dương cho biết em yêu môn Lịch sử cũng vì chị gái của mình. Chị gái Dương là cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và cũng đạt giải ba HS giỏi quốc gia môn Lịch sử.
Xuân Dương nói: “Em rất sợ phải học thuộc lòng các môn học nhưng nhờ chị gái hướng dẫn cách học, em dần dần có lòng đam mê với môn Lịch sử. Để học tốt môn Lịch sử, điều đầu tiên phải có lòng đam mê, sau đó là đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó học hỏi, đọc sách báo, tài liệu và đặc biệt không thể bỏ qua loại sách quan trọng nhất là sách giáo khoa”. Theo Xuân Dương, học Lịch sử thật sự không khó nếu ta có phương pháp. Thứ nhất là học theo giai đoạn, sơ đồ hóa kiến thức rồi xác định kiến thức cơ bản, kiến thức trọng tâm để học cho tốt. Không có điều kiện để mua tài liệu, sách báo đọc thêm, Dương còn nạp thêm kiến thức môn Lịch sử bằng cách xem những bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh cũng như thích nghe ca khúc cách mạng để thêm yêu lịch sử nước nhà. Bí quyết của chàng trai này là học từ từ, chậm mà chắc và không ép bản thân học quá nhiều mà phải tạo cho bản thân niềm hứng thú tìm hiểu. “Học Lịch sử, đam mê Lịch sử em càng tự hào về đất nước, con người Việt Nam, em sẽ không quên công ơn của cha ông ta đã xây dựng để có ngày hôm nay. Em mong rằng các bạn HS đừng quay lưng với môn Lịch sử, bởi như thế là chúng ta đã quay lưng với tổ tiên, Tổ quốc”, Xuân Dương chia sẻ.
Nguyễn Thị Bích Thoa - đỗ Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh với 27,5 điểm: Vì biết “chạy” trước chương trình phổ thông
Nguyễn Thị Bích Thoa là HS Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vạn Ninh). Em vừa thi đỗ vào Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh với số điểm mà bao bạn bè ao ước: 27,5 điểm. Chia sẻ về niềm vui đậu vào đại học, Bích Thoa nói: “Khi biết điểm đậu em rất mừng. Nhưng có lẽ người vui mừng nhiều nhất chính là bố mẹ em!”.
Không vui mừng sao được khi bố mẹ em phải xa quê hương, làm nghề bán hủ tiếu ở tận Bình Long - Bình Phước để nuôi 2 chị em Thoa ở nhà ăn học, mỗi năm chỉ về thăm con được vài lần. Vì thương ba mẹ buôn bán xa nhà vất vả nên những năm tháng sống với bà ngoại ở quê, Thoa luôn phấn đấu học tập một cách nghiêm túc và rất nghiêm khắc với bản thân. Từ cuối năm học lớp 11, Thoa đã đặt mục tiêu cho bản thân là phải thi đỗ vào Đại học Y dược, mặc cho bạn bè trêu chọc là quá ảo tưởng. Thoa đã dành nguyên 3 tháng hè mua sách hướng dẫn, mày mò tự học hết chương trình phổ thông lớp 12. Vào năm học chính, Thoa chỉ ôn lại và hỏi thầy cô chỗ nào chưa hiểu, thời gian còn lại em tập trung học kỹ và sâu các môn Toán, Hóa, Sinh. Thoa còn cho biết, em không học thêm nhiều, vì theo em học thêm nhiều rất mất thời gian, bị động và tốn nhiều tiền bạc, mà ba mẹ em lại không có nhiều tiền. Bù lại, em có một phương pháp học riêng, đó là tự học và học online là chủ yếu, vừa tiết kiệm tiền và có thể điều chỉnh thời gian cho hợp lý.
Tuy lịch học dày đặc nhưng Thoa chia sẻ bí quyết học hiệu quả, nhớ lâu của em là phải biết thư giãn. Mỗi ngày em dành một ít thời gian rảnh để nghe nhạc, xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh cho tinh thần đỡ căng thẳng. Trước khi thi đại học 2 tháng thì không nên học nhiều, chủ yếu ôn lại bài vở và nghỉ ngơi giữ sức khỏe. “Chuẩn bị kỹ là thế nhưng khi vào phòng thi em cũng rất hồi hộp, lo lắng vì nhìn các bạn cùng phòng thi ai cũng lanh lẹ, tự tin. Cầm đề thi trên tay không hiểu sao em cứ run, đến giờ làm bài mà đầu óc vẫn trống rỗng. Nhớ lại lời dặn của các anh chị đi trước, cố gắng hít thở sâu, dành thời gian lấy lại bình tĩnh, nhờ thế mà sau vài phút mất tinh thần, em đã làm bài thi rất tốt. Mong rằng những chia sẻ của em có thể giúp cho các em đi sau tự tin hơn về bản thân mình khi vào phòng thi” - Thoa nói.
Đỗ Quốc Nhật - thi đại học được 28 điểm: Học giỏi để không phụ lòng bố mẹ
Đậu cùng lúc 2 trường đại học với điểm số cao, Đỗ Quốc Nhật đã mang lại niềm vui, tự hào cho gia đình, thầy cô Trường THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh). Điểm thi của Nhật vào khoa Kinh tế đối ngoại - Trường Đại học Ngoại Thương lần lượt là Toán 9, Lý 9 và Hóa 10; còn điểm thi vào ngành Điều tra Trinh sát - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh là 23,5 điểm. Chia sẻ bí quyết để đạt kết quả cao trong học tập và thi cử, Nhật cho biết: “Em luôn bám sát chương trình học trong sách giáo khoa; trên lớp cố gắng nghe thầy cô giảng bài, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè; về nhà dành thời gian tự học. Những khi gặp bài khó hoặc muốn tìm hướng giải hay thì em trực tiếp trao đổi cùng thầy cô giáo. Em còn dành thời gian lên mạng để học và tìm những đề bài hay để tham khảo. Em có 1 cuốn sổ nhỏ ghi chép những kiến thức khó nhớ để rút kinh nghiệm...”.
Từ nhỏ, Nhật luôn chăm ngoan, học giỏi, đạt thành tích cao. Suốt 12 năm học phổ thông, Nhật luôn đạt HS giỏi. Riêng năm lớp 12, em đạt giải ba HS giỏi Văn cấp tỉnh, giải nhì HS giỏi Vật lý cấp tỉnh và giải nhì HS giỏi giải Toán trên máy tính cấp quốc gia. “Nhìn ba mẹ làm việc cực nhọc để lo cái ăn, cái mặc cho 4 anh chị em, em luôn tự nhủ phải cố gắng học tốt”, Nhật giãi bày. Trong việc học tập, em còn có niềm đam mê đối với môn công nghệ thông tin. Nhật tâm sự: “Những lúc rảnh rỗi, em thường tham gia các diễn đàn công nghệ như tech21.vn, tinhte.vn,... để học hỏi kiến thức thiết kế web, lập trình di động. Hè năm ngoái, em tham gia chương trình làm phim ngắn dành cho HS, sinh viên. Em và các bạn đã thực hiện bộ phim “Nụ cười xinh đón chào ngày mới”. Tuy không đạt giải, nhưng em có thêm nhiều kinh nghiệm”. Đậu 2 trường đại học ở 2 lĩnh vực khác nhau, với ước mơ trở thành nhà kinh doanh giỏi, Nhật đã quyết định chọn học Trường Đại học Ngoại Thương. “Hiện tại, em đang theo đuổi ước mơ của mình trên giảng đường đại học, cố gắng học tập tốt và rèn luyện những kỹ năng mềm”, Nhật nói.
Thu Hiền - Lê Nguyên - Minh Thiết - Kim Thao