Ngày 20-8, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 của thí sinh.
Ngày 20-8, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 của thí sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa thi năm nay có hơn 238.000 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn dôi dư so với tổng chỉ tiêu, tăng khoảng 100.000 em so với năm 2012. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm nghìn thí sinh khác trượt nguyện vọng 1 do có điểm thi trên điểm sàn nhưng thấp hơn điểm chuẩn vào trường đã thi. Cuộc đua xét tuyển nguyện vọng 2 năm nay vì thế có nhiều phần căng thẳng hơn mọi năm do số lượng thí sinh trượt nguyện vọng 1 dồi dào hơn.
Căng thẳng trường công
Mặt bằng điểm thi đại học năm nay cao hơn năm trước nên không ít trường công đã dành chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 để cải thiện chất lượng đầu vào. Chỉ tiêu xét tuyển trường công lập vì thế cũng khá dồi dào. Đại ớhọc Nông nghiệp Hà Nội dành tới 1.800 chỉ tiêu cho nguyện vọng 2, trong đó có 900 chỉ tiêu hệ đại học và 900 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Điểm xét tuyển hệ đại học thấp nhất là 15,5 điểm và hệ cao đẳng là 10 điểm. Có mức điểm xét tuyển thấp hơn, chỉ bằng điểm sàn, Đại học Lâm nghiệp cũng dành 1.640 chỉ tiêu cho nguyện vọng 2. Con số này ở Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh là khoảng 1.000 em.
So vi Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn có số chỉ tiêu xét tuyển lớn gấp đôi, lên tới 2.500 em, tăng gần 500 thí sinh so với lượng xét tuyển của Học viện năm 2012. Trong số này có 1.700 chỉ tiêu cho hệ đại học và 800 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển hệ đại học thấp nhất là 18 điểm với cơ sở phía Bắc và 15,5 điểm với cơ sở phía Nam. Theo ban tuyển sinh của trường, đối với cơ sở phía Bắc, nếu trường hạ điểm chuẩn nguyện vọng 1 xuống 17 điểm thì sẽ đủ sinh viên, không cần xét tuyển thêm. Tuy nhiên, trường vẫn lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 lên thấp nhất là 18 và rộng cửa đón thí sinh nguyện vọng 2.
“Việc dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 tuy phức tạp hơn, mất thời gian và công sức hơn nhưng lại giúp trường có được những thí sinh điểm cao, chất lượng đầu vào vì thế sẽ tốt hơn,” ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ. Cũng theo ông Lập, các trường công luôn nhận được sự ưu tiên đầu quân của thí sinh nên điểm trúng tuyển nguyện vọng thường cao hơn so với điểm nhận hồ sơ xét tuyển ban đầu từ một đến vài điểm. Theo đó, dù số chỉ tiêu xét tuyển vào trường công lập năm nay khá lớn nhưng lại là cuộc đua căng thẳng vì có nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt trường tốp trên. Điểm chuẩn xét tuyển trường công do vậy càng trở nên khó đoán. Vì thế, thí sinh phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Rộng cửa trường tư
Trong khi việc xét tuyển vào trường công khá căng thì cửa vào trường tư rất rộng. Nhiều năm trở lại đây, các trường ngoài công lập luôn ở tình trạng “khát” sinh viên, chỉ tiêu xét tuyển hàng nghìn em mỗi trường với mức điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm nay, Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP. Hồ Chí Minh xét tuyển 2.500 chỉ tiêu, Đại học Kinh tế Tài chính xét tuyển 1.000 chỉ tiêu, Đại học Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển 1.680 chỉ tiêu. Con số này ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ là 3.500 chỉ tiêu, trong đó riêng hệ đại học là 3.000 em. “Đói” sinh viên ở tất cả các ngành nên thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào bất cứ ngành nào của trường…
Nếu như mọi năm, ngay sau khi có kết quả thi, các trường ngoài công lập liên tiếp tổ chức gặp nhau để than vãn và bàn kế sách kêu cứu thì năm nay không khí khá trầm lắng. Theo lãnh đạo các trường, việc tuyển sinh năm nay có thể sẽ khả quan hơn mọi năm do nguồn tuyển dồi dào hơn. Các thí sinh đạt điểm trên sàn nhưng trượt nguyện vọng 1 sẽ là đối tượng săn đón của các trường tư. Với lượng thí sinh trên sàn dôi dư lớn, các trường đang kỳ vọng sẽ có một mùa tuyển sinh nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian xét tuyển nguyện vọng hai sẽ diễn ra trong 20 ngày, từ nay đến hết ngày 10-9-2013.
G.C (Theo Vietnam+)