Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy văn hóa nghệ thuật là tất yếu, nhưng ứng dụng như thế nào, ứng dụng đến đâu để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập mà không ảnh hưởng đến yếu tố đào tạo đặc thù là băn khoăn của nhiều đại biểu trong hội thảo gần đây,
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong giảng dạy văn hóa nghệ thuật (VHNT) là tất yếu, nhưng ứng dụng như thế nào, ứng dụng đến đâu để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập mà không ảnh hưởng đến yếu tố đào tạo đặc thù là băn khoăn của nhiều đại biểu trong hội thảo gần đây, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tại Nha Trang.
Hiệu quả nhiều chiều
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VH-TT-DL, đối với công tác đào tạo VHNT, ứng dụng KHCN giúp người dạy và người học dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin, giúp người học tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Phó Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam cho biết, giờ đây, vấn đề không nằm ở nguồn tài liệu mà ở khả năng khai thác của các học viên. Một nghiên cứu sinh làm luận án về đề tài Lưu Quang Vũ sẽ tìm thấy vô số tài liệu về ông trên mạng mà không cần bước chân ra khỏi nhà mình. Tương tự, làm đề tài về Leonard de Vinci cũng không nhất thiết phải đến các bảo tàng ở Anh, Pháp, Mỹ để tìm tư liệu về họa sĩ vĩ đại này... Các lĩnh vực đều có thể ứng dụng KHCN vào hoạt động giảng dạy, kể cả nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, mỹ thuật và âm nhạc thuận lợi nhất. Ứng dụng dễ thấy nhất chính là giáo viên (GV) soạn bài giảng trên máy tính, sử dụng máy chiếu để giảng dạy giáo án điện tử.
Nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt nghệ thuật truyền thống là lĩnh vực tưởng chừng khó ứng dụng KHCN nhưng thực tế không phải như vậy. Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (SKĐA) Hà Nội đã mạnh dạn ứng dụng KHCN vào giảng dạy vai mẫu cho diễn viên kịch hát dân tộc. Theo Tiến sĩ Đinh Quang Trung - Phó Viện trưởng Viện SKĐA (Trường Đại học SKĐA Hà Nội), phương pháp truyền nghề truyền thống vẫn là truyền nghề trực tiếp, thầy dạy trò bắt chước. Chất lượng chuyên môn của sinh viên (SV) phụ thuộc nhiều tài năng và lòng nhiệt tình của thầy cô. Trong thực tế, thầy cô của các trường VHNT có trình độ sư phạm nhưng chưa chắc đã xuất sắc với vai mẫu. Trước đây, các trường mời những nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi ở các đơn vị nghệ thuật tham gia giảng dạy để bù khuyết, nhưng hiện nay vướng quy định tiêu chuẩn bằng cấp. Mặt khác, có nghệ sĩ sáng tạo vai mẫu đỉnh cao nhưng không có phương pháp sư phạm. Vì vậy, Trường SKĐA Hà Nội cho quay trích đoạn của các nghệ sĩ thành danh cùng với một vai mẫu để lên lớp chiếu cho SV xem. GV sẽ cùng phân tích, nếu cần thị phạm cho SV những động tác khó. SV sẽ tự tập luyện, chắt lọc, sáng tạo vai diễn phù hợp với mình mà không nhất thiết phải học theo một nghệ sĩ nhất định.
Theo Thạc sĩ Dương Thị Lâm (Trưởng khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc), sử dụng giáo án điện tử kết hợp với các clip giúp SV dễ tiếp thu bài hơn, nhất là đối với các môn nghệ thuật âm nhạc như đàn, hát then, xướng âm, nhạc lý, dân ca... Đối với các ngành nghệ thuật biểu diễn, phòng thu thanh hiện đại và hệ thống trang âm, loa đài giúp GV và SV có thể thực hành trực tiếp trên sân khấu hoặc phòng thu. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), SV có thể tự làm bài tập, tự sáng tạo trong tác phẩm biểu diễn hay những bài tập của các môn nhạc cụ và thanh nhạc. Trường đã lập diễn đàn SV trên trang web để SV chia sẻ với GV, bạn bè. Đặc biệt, đây là diễn đàn dành cho những người yêu thích đàn, hát then hay tham gia các cuộc thi trực tuyến... Cô Trịnh Thị Cúc - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT Bình Định cho biết đã tự bỏ kinh phí để ứng dụng CNTT trong dạy hát bài chòi, giúp giảm công sức nhưng không mất đi vai trò của GV đứng lớp...
Vẫn có mặt trái
Tuy đánh giá cao hiệu quả của ứng dụng KHCN trong hoạt động giảng dạy VHNT, nhưng các đại biểu cũng lo lắng mặt trái của nó. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, công nghệ không thể thay thế bàn tay, khối óc của con người nên phải kiểm soát được phạm vi ứng dụng để không bào mòn khả năng sáng tạo. Như việc quay vai mẫu của Trường SKĐA Hà Nội là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu chỉ để các em xem thôi thì không được, vì ghi hình không có sự đối thoại, tương tác trực tiếp với SV. Vì vậy, các thầy cô phải nghiên cứu kỹ, sửa trực tiếp cho các em. Thạc sĩ Dương Thị Lâm cho rằng, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực VHNT là cần thiết nhưng không nên áp dụng thái quá mà phải tùy đặc thù từng lĩnh vực. CNTT khiến việc làm nghệ thuật kiểu cắt và dán làm mòn khả năng sáng tạo của SV. Thạc sĩ Lâm nêu thực trạng, trước đây, SV thi thực tập nghiệp vụ dàn dựng có sự kết hợp ăn ý giữa thí sinh biểu diễn với dàn nhạc đệm. SV say mê tìm tòi, sáng tạo; các nhạc công đào tạo trong trường có cơ hội thực hành; GV cũng phải tìm tòi soạn nhạc đệm hỗ trợ. Mấy năm nay, các em không cần mời nhạc công cũng không cần nhờ thầy cô soạn nhạc đệm mà tải nhạc có sẵn trên mạng; đến cả phần múa các em cũng tải về rồi tự biên đạo, dàn dựng. Nhạc công thất nghiệp, thầy cô thì nhàn, còn SV đánh mất sự say mê mày mò, sáng tạo, đánh mất khả năng học hỏi phối bài. “Nghệ thuật biểu diễn đề cao sự sáng tạo, cảm xúc chân thật. Nếu không cần dàn nhạc, chúng tôi đào tạo nhạc công làm gì. Đây là lý do Vụ Đào tạo đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu các hội diễn dứt khoát phải có dàn nhạc sống” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng nói.
Tại hội thảo, đại biểu cũng nêu những hạn chế của việc ứng dụng KHCN trong hoạt động giảng dạy VHNT hiện nay như: chưa có giáo trình mẫu thống nhất, các trường vẫn phải tự mày mò, sáng tạo giáo trình điện tử; thiếu nhân lực có khả năng sử dụng công nghệ cao. Lãnh đạo nhiều trường, nhất là các trường VHNT ở địa phương lại than không có kinh phí đầu tư trang thiết bị...
Sau khi nghe kiến nghị của các trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng thống nhất sẽ xây dựng văn bản pháp lý về tiêu chuẩn trường VHNT, có quy định ứng dụng KHCN trong quản lý, đào tạo để địa phương quan tâm đầu tư cho các trường. Sắp tới, sẽ xây dựng đề án phần mềm quản lý VHNT chung và tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT trong khối trường VHNT.
KHÁNH NINH