Sinh viên theo học các ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh sẽ được miễn, giảm học phí tùy theo từng đối tượng...
Đây là một trong những nội dung của đề án "Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020" vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phê duyệt.
Hiện nay, nhân lực của các ngành trên ngày một giảm sút (cả về chất lượng lẫn số lượng). Một số ngành đang có nguy cơ “trắng” bác sỹ. Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2020 số lượng đào tạo nhân lực y tế của 5 chuyên ngành trên ước tính khoảng 2.500 người.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia – BV Bạch Mai – đang khám cho bệnh nhân bị chứng hoang tưởng, ảo giác. |
Trong đó: 30 người trình độ Tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 170 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 570 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 1500 bác sĩ đa khoa định hướng chuyên ngành; 200 cử nhân xét nghiệm kỹ thuật định hướng chuyên ngành giải phẫu bệnh và pháp y.
Tổng số nhân lực trên được phân bổ như sau: Chuyên ngành Lao 250; chuyên ngành Phong 550; chuyên ngành Tâm thần 600; chuyên ngành Pháp y 550; chuyên ngành Giải phẫu bệnh 550.
Đề án trên đặt mục tiêu 90 - 100% bệnh viện, viện tuyến trung ương và các cơ sở đào tạo, 70 - 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh; 50 - 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc miễn, giảm học phí đối với tất cả các loại hình đào tạo cho các sinh viên, học viên theo học thì một trong các giải pháp của Đề án là ưu tiên điểm thi tuyển và duy trì chế độ đào tạo liên thông đối với các sinh viên theo học.
Ngoài ra, sẽ ưu tiên thi tuyển và những điều kiện tuyển sinh đối với những học viên thi vào nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ.
Đề án cũng đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo nhân lực y tế các chuyên ngành thuộc Đề án làm việc có hiệu quả, lâu dài và bền vững tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Đánh giá về tính khả thi của đề án, một số chuyên gia về quy hoạch nhân lực y tế cho rằng những việc làm như trên là cần thiết, nhưng chưa đủ và chưa giải quyết tận gốc vấn đề.
Theo đó, nếu duy trì hình thức đào tạo liên thông, hạ điểm thi đầu vào, …. sẽ vô hình làm chất lượng nguồn nhân lực giảm sút. Thay vào đó, cần có những giải pháp đặc thù cho những lĩnh vực đặc thù như trên, trong đó, thay đổi chế độ đãi ngộ và các ưu đãi đặc biệt được coi là giải pháp hữu hiệu.
Theo VOV